Giá dầu leo dốc bất chấp sản lượng dầu của Ả Rập Saudi tăng cao

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ leo dốc phiên thứ 2 liên tiếp khi chốt phiên giao dịch ngày 12/6 mặc dù sản lượng từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng cao, dẫn đầu là Ả Rập Saudi.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/6, các hợp đồng dầu thô tương lai diễn biến trái chiều với giá dầu WTI của Mỹ tăng nhẹ phiên thứ 2 liên tiếp, còn giá dầu Brent lại suy yếu.
Giá dầu WTI của Mỹ có được sự hỗ trợ nhờ dữ liệu định kỳ hàng tuần công bố được kỳ vọng sẽ cho thấy sự sụt giảm của dự trữ dầu thô tại Mỹ. Trong khi giá dầu Brent sụt giảm sau khi báo cáo định kỳ hàng tháng của OPEC cho thấy sản lượng từ Tổ chức này tăng cao, dẫn đầu là Ả Rập Saudi.
 Giá dầu leo dốc bất chấp sản lượng dầu của Ả Rập Saudi tăng cao.
Cụ thể hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex tăng 26 xu Mỹ, tương đương 0,4% lên 66,36 USD/thùng. Tuy nhiên, hợp đồng dầu Brent giao tháng 8 trên sàn London hạ 58 xu Mỹ, tương đương 0,8% xuống 75,88 USD/thùng.
Báo cáo định kỳ hàng tháng của OPEC công bố ngày 12/6 cho biết sản lượng dầu tổ chức này tăng 35.000 thùng/ngày trong tháng 5 lên bình quân 31,87 triệu thùng/ngày. Sản lượng tại Ả Rập Saudi vọt 85.000 thùng/ngày nhưng hầu hết được bù đắp bởi sự thiếu hụt sản lượng ở Nigeria, Venezuela và Libya, theo báo cáo này.
Dữ liệu riêng của Ả Rập Saudi trong tháng 5 lại cho thấy sản lượng nước này tăng 161.400 thùng/ngày.
Báo cáo định kỳ hàng tháng của OPEC được công bố trong bối cảnh các thông tin cho biết rằng Ả Rập Saudi, nhà sản xuất dầu chủ chốt của thế giới và là thành viên có ảnh hưởng lớn nhất trong tổ chức, cùng với Nga đang cân nhắc nâng sản lượng khai thác dầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ công bố báo cáo định kỳ vào cuối ngày 13/6.
Các dấu hiệu về việc tăng sản lượng xuất hiện khi nỗ lực hợp tác xoa dịu tình trạng dư cung toàn cầu và ổn định đà lao dốc của giá dầu dự kiến hết hạn vào cuối năm 2018. Cuộc họp của các thành viên OPEC vào ngày 22/06 tới có khả năng sẽ thảo luận về triển vọng cắt giảm sản lượng.
Các rủi ro địa chính trị đối với nguồn cung dầu tại Iran và Venezuela đã thúc đẩy Ả Rập Saudi và Nga xem xét lại việc cắt giảm sản lượng trong nhữngg tuần gần đây sau khi giá dầu Brent vượt ngưỡng 80 USD/thùng.
Trong khi đó, báo cáo định kỳ hàng tháng từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong ngày 12/6 đã dự báo sản lượng dầu thô tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2018, song cũng hạ dự báo sản lượng trong năm tới.
Được biết, EIA sẽ công bố dữ liệu định kỳ về nguồn cung dầu thô tại Mỹ trong ngày 13/6.  Các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts dự báo dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 2,6 triệu thùng, trong khi dự trữ xăng tăng 200.000 thùng, còn dự trữ các sản phẩm chưng cất không thay đổi trong tuần trước.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần