Giá dầu leo dốc do căng thẳng tại Trung Đông và nhu cầu tăng cao

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch ngày 26/4, giá nhiên liệu quay đầu đi lên trong bối cảnh thị trường lo ngại Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, và nhu cầu dầu gia tăng mạnh.

Thị trường "vàng đen" mở đầu phiên giao dịch khởi sắc do thị trường vẫn lo ngại Mỹ sẽ  tái áp đặt trừng phạt Iran, nhà sản xuất dầu lớn và là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Cụ thể, dầu thô Brent kỳ hạn LCOc1 giao dịch ở mức 74,42 USD/thùng, tăng 42 xu Mỹ, tương đương 0,6% so với mức đóng cửa phiên trước đó.
Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao sau tăng 33 xu Mỹ, tương đương 0,5%, lên mức 68,38 USD/thùng.
Giá dầu trong phiên 24/4 đã phá ngưỡng 75 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối năm 2014 trước khi kết phiên giảm 1,1%.
Giá năng lượng leo dốc mạnh trong những phiên gần đây là do thị trường nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận quốc tế đạt được năm 2015 nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Điều này sẽ dẫn tới việc áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Iran và theo đó sẽ hạn chế nguồn cung dầu của Tehran ra thị trường thế giới.
 Giá dầu tăng trong phiên giao dịch 26/4.
Giá dầu quay đầu giảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ quan tâm đến một thỏa thuận mới nhằm kìm chế tham vọng hạt nhân của Iran.
Trong cuộc hội đàm tại Washington ngày 24/4, Tổng thống Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã cam kết sẽ tìm cách giải quyết những khác biệt trong quan điểm giữa Mỹ và châu Âu về vấn đề Iran. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã không lặp lại những lời đe dọa rằng sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mặc dù đã tỏ rõ quan điểm rằng ông không còn kiên nhẫn đối với vấn đề này. 
“Điều này có thể tránh việc áp đặt lệnh trừng phạt mới, qua đó giúp cho nguồn cung của Iran không bị ảnh hưởng”, các chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn JBC Energy dự báo.
Từ nay đến 12/5, chính quyền Tổng thống Trump sẽ quyết định có xem xét việc dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran hay không. Việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran sẽ khiến nguồn cung dầu trên thế giới bị thu hẹp.
Căng thẳng tại Trung Đông đã hỗ trợ đẩy giá dầu đi lên mặc dù sản lượng tồn kho dầu tại Mỹ tiếp tục tăng. Số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô tăng 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc 20/4. Các chuyên gia do S&P Global Platts khảo sát trước đó dự báo tồn kho giảm 1,1 triệu thùng.
Matt Smith, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData, cho rằng tồn kho tăng là do các nhà máy lọc dầu giảm công suất và nhập khẩu dầu thô tăng. Các nhà máy lọc dầu tại Vịnh Mexico bước vào mùa bảo dưỡng cuối kì.
Tyler Richey, đồng chủ bút tờ Sevens Report, nhận xét sau khi giá dầu thô Mỹ đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm rưỡi vào tuần trước, thị trường ở trạng thái đi ngang. “Hiện nay lo ngại về địa chính trị và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang lấn át những lo ngại về nguồn cung, song sản lượng Mỹ gia tăng vẫn là mối đe dọa lớn nhất”, ông Richey nói.
Sản lượng dầu thô của Mỹ tăng thêm 46.000 thùng trong tuần trước lên 10,586 triệu thùng trong tuần trước, theo số liệu của EIA.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng hưởng lợi từ đà sụt giảm sản lượng khai thác ở Venezuela, nhà sản xuất lớn nhất của OPEC ở châu Mỹ Latinh. Sản lượng dầu thô của Venezuela đã giảm từ gần 2,5 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2016 xuống còn khoảng 1,5 triệu thùng/ngày do khủng hoảng kinh tế và chính trị.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần