Giá dầu leo dốc hơn 1% do căng thẳng Mỹ - Iran tăng nhiệt

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu đi lên trong phiên 19/7 do lo ngại về nguồn cung sau khi một tàu chiến Mỹ phá hủy một máy bay không người lái của Iran ở Eo biển Hormuz.

Cụ thể, giá dầu Brent tăng 81 xu Mỹ, tương đương 1,3%, lên mức 62,74 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này có thời điểm trong phiên đã đạt tới 63,32 USD. Giá dầu Brent đã lao dốc tới 2,7% trong ngày 18/7, ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp và sắp thiết lập mức giảm hơn 6% trong tuần này.
Giá dầu tăng mạnh trong ngày 19/7.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI cũng nhích 59 xu Mỹ, khoảng 1,1%, lên 55,89 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức 56,36 USD. Giá mặt hàng dầu này cũng sụt hơn 2,6% trong phiên trước đó và đang hướng tới mức giảm hàng tuần hơn 6%.
Giá “vàng đen” sắp chứng kiến tuần giảm lớn nhất trong gần 2 tháng gần đây, do mặt hàng này đã giảm mạnh trong phiên đầu tuần trong bối cảnh gia tăng kỳ vọng căng thẳng tại Trung Đông hạ nhiệt cùng với lo ngại nhu cầu dầu mỏ suy yếu.
Nhà quản lý cấp cao Stephen Innes tại công ty môi giới đầu tư và nghiên cứu thị trường Vanguard Markets nhận xét: “Thị trường dầu mỏ thế giới trong phiên này được hỗ trợ bởi các dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh hơn để hỗ trợ nền kinh tế”.
Bên cạnh đó, việc Mỹ thông báo một tàu của lực lượng Hải quân nước này đã phá hủy một máy bay không người lái của Iran ở Eo biển Hormuz, động thái khiến căng thẳng chính trị tại Trung Đông bùng phát trở lại cũng tạo đà cho giá dầu khởi sắc trong phiên ngày 19/7.
Tuy nhiên, triển vọng dài hạn cho đà tăng cao hơn của giá dầu hiện cũng không còn nhiều. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2019 từ 1,2 triệu thùng/ngày dự báo trước đó xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày, do kinh tế toàn cầu giảm tốc trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa được giải quyết.
Thậm chí, IEA cho biết có thể cắt giảm sâu hơn nữa dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới nếu kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc, tiếp tục tăng chậm lại.
Bên cạnh đó, IEA cũng nhấn mạnh đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, dẫn đầu là Nga. Theo IEA, kế hoạch trên có thể giúp giảm bớt lượng dầu dự trữ của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào cuối năm nay.
Nhà phân tích Jason Gammel của Jefferies cho biết, nguồn cung ngoài OPEC sẽ tăng hơn 2 triệu thùng/ngày vào năm 2020, trong khi tăng trưởng nhu cầu sẽ suy yếu.
Theo nhà phân tích Gammel, kế hoạch cắt giảm sản xuất của OPEC và các đồng minh cần được kéo dài đến hết năm 2020 để giúp duy trì sự cân bằng cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần