Giá dầu mất gần 3% sau tin Nga - Ả Rập Saudi thỏa thuận tăng sản lượng

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chốt phiên ngày 4/10, giá dầu lao dốc sau thông tin Nga và Ả Rập Saudi đã đạt được một thỏa thuận riêng trong việc gia tăng sản lượng hồi tháng 9 vừa qua.

Ngày 4/10, Reuters trích dẫn các nguồn tin cho biết, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih và Bộ trưởng Dầu mỏ Nga Alexander Novak đã đồng ý nâng sản lượng trong thời gian từ tháng 9-12/2018 để kéo giảm giá dầu xuống mức 80 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch ngày 4/10, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ chứng kiến phiên sụt giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 8/2018.
Giá dầu WTI chứng kiến phiên giảm mạnh nhất từ giữa tháng 8/2018.
Giới đầu tư đã đẩy mạnh việc bán dầu để chốt lời trong phiên 4/10 sau khi giá dầu Brent trong phiên trước đó leo lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2012, còn giá dầu WTI cũng chạm mức cao nhất kể từ tháng 1/2018.
Tác động đến giá dầu phiên này còn có việc thị trường chứng khoán Mỹ sa sút, khi các chỉ số chính ở Phố Wall đều mất điểm. Giá dầu đôi khi vẫn biến động theo diễn biến trên thị trường chứng khoán. 
Ngoài ra, lượng dầu thô dự trữ tại mỏ Cushing ở Oklahoma của Mỹ đã tăng khoảng 1,7 triệu thùng chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 28/9 đến 3/10, từ đó gây thêm áp lực lên giá dầu. 
Tyler Richey, đồng biên tập tại Sevens Report nhận định: “Các yếu tố cơ bản đang chuyển sang hướng tiêu cực trong tuần này khi dự trữ dầu thô thương mại nhảy vọt cùng với thông tin Nga và Ả Rập Saudi đã ký một thỏa thuận riêng từ vài tuần trước nhằm bù đắp sản lượng dầu thiếu hụt do lượng xuất khẩu của Iran sụt giảm”.
Kết thúc phiên này, giá nhẹ WTI hạ 2,08 USD (tương đương 2,7%) xuống 74,33 USD/thùng, đánh dấu phiên sụt giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 8/2018.
Trong khi đó, giá dầu Brent mất 1,71 USD (tương đương 2%) còn 84,58 USD/thùng.
Sự không chắc chắn về việc các nhà sản xuất chủ chốt có thể bù đắp lượng thiếu hụt kim ngạch xuất khẩu từ Iran do các lệnh trừng phạt của Mỹ là một trong những yếu tố khiến giá dầu leo dốc mạnh trong ngày 3/10 với giá dầu WTI chạm mức 76 USD/thùng, còn giá dầu Brent vượt mốc 86 USD/thùng.
Mối quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục leo thang căng thẳng sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 4/10 thông báo rằng Mỹ sẽ chấm dứt Hiệp ước Amity 1955, sau khi tòa án Liên Hợp quốc (UN) cho biết Cơ quan này đã ngăn Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt có ảnh hưởng đến viện trợ nhân đạo.
Điều này khiến giới đầu tư hướng sự chú ý đến nhà sản xuất lớn Ả Rập Saudi, thành viên chủ chốt của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih cho biết sản lượng dầu của nước này sẽ tăng lên 10,7 triệu thùng/ngày trong tháng 10, mức cao kỷ lục.
Trong khi đó, dữ liệu từ Bộ Năng lượng Nga cho thấy Moscow đã thúc đẩy sản lượng vọt lên mức cao kỷ lục 11,36 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2018.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Commerzbank tỏ ra nghi ngờ về tác động lâu dài của những động thái này, lưu ý rằng: “Sự gia tăng sản lượng ở cả 2 nước này phù hợp với một thỏa thuận song phương đạt được tại cuộc họp ở Algiers vào cuối tháng 9/2018”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần