Giá dầu ngọt nhẹ tăng gần 2% nhờ tồn kho dầu Mỹ giảm mạnh

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/6, giá dầu ngọt nhẹ WTI leo dốc lên mức cao nhất trong gần 1 tuần sau khi báo cáo cho biết lượng tồn kho dầu thô của Mỹ có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 1.

Cụ thể, giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 7 tại sàn Nymex nhích 1,15 USD, tương ứng 1,8%, lên 66,22 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất kể từ 14/6. Còn hợp đồng giao tháng 8 tăng 81 xu Mỹ, tương đương 1,3%, lên 65,71 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu giao tháng 8 mất 34 xu Mỹ, tương đương 0,5%, còn 74,74 USD/thùng tại sàn London.
 Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng trước thềm cuộc họp của OPEC.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 20/6 cho biết tồn kho dầu thô ở nước này giảm 5,9 triệu thùng trong tuần kết thúc 15/6, cao hơn nhiều mức giảm 3,7 triệu thùng do các chuyên gia được S&P Global Platts khảo sát.
Theo phân tích của chuyên gia Matt Smith, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData, lý do việc tồn kho giảm mạnh là do công suất của các nhà máy lọc dầu lên tới 17,7 triệu thùng/ngày, chỉ thấp hơn chút so với mức kỷ lục mùa hè năm ngoái.
Bên cạnh đó, tồn kho xăng và các sản phẩm lọc dầu khác tăng mạnh. Báo cáo của EIA cho biết tồn kho xăng tăng 3,3 triệu thùng trong tuần trước trong khi tồn kho các sản phẩm hóa dầu khác tăng 2,7 triệu thùng.
Chuyên gia Smith cũng lưu ý tổng sản lượng dầu thô Mỹ trong tuần giữ nguyên ở mức 10,9 triệu thùng/ngày sau khi tăng 100.000 thùng/ngày trong tuần trước đó.
Các nhà giao dịch dầu mỏ đang chờ đợi cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga dự kiến sẽ diễn ra vào 2 ngày 22-23/6 tại Vienna (Áo). Cuộc họp này các nước sẽ thảo luận về khả năng liệu có ngừng thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đang được áp dụng hiện nay hay không.
Ả Rập Saudi, các nước thành viên khác thuộc OPEC và một số nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga cần thống nhất về mức sản lượng trong phiên họp sắp tới. Hiện các nước chưa thống nhất về việc cần tăng thêm sản lượng để bù đắp lượng thiếu hụt từ IranVenezuela.