Giá dầu nhảy vọt gần 10% do căng thẳng chính trị leo thang tại vùng Vịnh

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu thô WTI tăng 9,4% và giá dầu Brent nhích 5,4% trong tuần qua trước lo ngại về việc Mỹ có thể tấn công Iran và làm gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông.

Ngoài sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Iran là yếu tố chủ yếu thúc đẩy dầu thô tăng giá, các nhà phân tích còn nhận định các sự kiện sắp tới như cuộc họp đầu tháng 7 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh để đánh giá lại các mục tiêu sản lượng, cùng kỳ vọng về những bước tiến trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và vụ cháy nhà máy lọc dầu cũng đang hỗ trợ cho giá dầu trong tuần qua.
Giá dầu trong phiên 17/6 giảm hơn 1%, sau khi số liệu kinh tế kém lạc quan của Trung Quốc làm gia tăng nỗi lo ngại nhu cầu dầu mỏ toàn cầu suy yếu.
Tính chung trong tuần, giá dầu Brent tăng hơn 5% trong tuần.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 5/2019 đã bất ngờ tăng chậm lại mức 5%, thấp nhất trong 17 năm qua và thấp hơn so với con số dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó là 5,5%.
Bước sang phiên 18/6, giá dầu thế giới quay đầu tăng mạnh sau khi xuất hiện kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm giải quyết các tranh chấp  thương mại kéo dài hơn một năm qua khi hai nước thông báo nối lại đàm phán thương mại.
Đà leo dốc của giá dầu phiên này còn được hỗ trợ bởi tình hình căng thẳng tại vùng Vịnh leo thang sau các vụ tấn công vào một số tàu chở dầu trên vịnh Oman trong tuần trước và Tehran tuyên bố sẽ đẩy mạnh hoạt động làm giàu urani. 
Tuy nhiên, giá “vàng đen” trong phiên 19/6 lại đi xuống bất chấp số liệu về dự trữ dầu hàng tuần của Mỹ giảm nhiều hơn dự báo.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ, trừ những sản phẩm trong kho dự trữ dầu khí chiến lược, đã giảm 3,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/6 so với tuần trước đó.
Bước sang ngày 20/6, giá dầu quay trở lại đà leo dốc mạnh, với mức tăng hơn 5% sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang giữa Tehran và Washington.
Trước đó, Mỹ đã cáo buộc Iran đứng sau các sự cố xảy ra với 2 tàu chở dầu tại vịnh Oman, gần eo biển Hormuz - điểm trung chuyển dầu quan trọng tại Trung Đông.
Bên cạnh đó, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể hạ lãi suất trong cuộc họp tiếp theo để kích thích tăng trưởng và lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ giảm là những thông tin hỗ trợ thị trường năng lượng trong phiên này. 
Giá dầu thế giới tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch ngày 21/6, chốt một tuần tăng mạnh, do nỗi lo ngại Mỹ có thể tấn công Iran, gây gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông - khu vực chiếm hơn 1/5 sản lượng dầu toàn cầu.
"Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran là động lực chính đẩy giá dầu tăng vọt", hãng tin Reuters dẫn một báo cáo của chuyên gia Jim Ritterbusch thuộc Ritterbusch and Associates.
Bên cạnh đó, giới phân tích dầu mỏ cho rằng còn có 3 nhân tố quan trọng khác hỗ trợ cho sự đi lên của giá dầu thời gian gần đây.
Thứ nhất, OPEC và đối tác gồm Nga, còn được gọi là nhóm OPEC+, có thể gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào đầu tháng 7 tới. Thứ hai, Mỹ và Trung Quốc sắp nối lại đàm phán thương mại. Và thứ ba, việc FED phát tín hiệu sẵn sàng hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng giúp ích cho giá của những tài sản có độ rủi ro cao hơn như dầu thô và chứng khoán.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,75 USD/thùng, tương đương 1,2%, lên mức 65,2 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI của Mỹ giao sau nhích 0,6%, chốt ở 57,43 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng khoảng 5,4%, đánh dấu tuần tăng đầu tiên sau 4 tuần giảm liên tiếp. Giá dầu WTI tăng khoảng 9,4% trong tuần, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2016.
Một tàu chở dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ.
Giá dầu tăng vọt trong phiên trước đó, với dầu WTI cộng 5,4% và dầu Brent leo dốc 4,3% - sau khi Iran bắn rơi một thiết bị bay không người lái của Mỹ ở khu vực eo biển Hormuz.
Tổng thống Donald Trump hôm 21/6 cho biết ông đã hủy vào phút chót một kế hoạch không kích Iran nhằm đáp trả vụ việc trên.
"Chắc chắn, một sự gián đoạn dòng dầu vận chuyển qua tuyến đường nhạy cảm này sẽ gây ra ảnh hưởng rất nghiêm trọng", hãng tư vấn năng lượng FGE Energy lưu ý trong một báo cáo hôm 21/6.
Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đã được cải thiện, nhờ tâm lý phấn khích với tài sản rủi ro gia tăng sau khi nhiều ngân hàng trung ương, trong đó có FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), cùng phát tín hiệu sẽ hạ lãi suất. Việc Washington và Bắc Kinh lên kế hoạch nối lại đàm phán thương mại cũng củng cố sự lạc quan về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Bên cạnh đó, đồng USD giảm giá do khả năng FED giảm lãi suất cũng hỗ trợ cho giá dầu, bởi "vàng đen" được định giá bằng đồng bạc xanh.
Trong mấy tuần trước đó, giá dầu giảm liên tục do giới đầu tư lo ngại về khả năng suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trước sức ép từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài. Mối lo này đã kéo giá dầu Brent rời xa khỏi mức cao nhất kể từ đầu năm lên tới 75 USD/thùng thiết lập hồi tháng 4/2019.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần