Giá dầu quay đầu tăng 4% nhờ kỳ vọng các gói kích đối phó dịch Covid-19

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu phục hồi trong phiên giao dịch ngày 10/3 sau khi chứng kiến phiên giảm mạnh nhất trong gần 30 năm trong ngày 9/3.

Giá dầu tăng khoảng 4% trong phiên giao dịch này nhờ các nhà đầu tư kỳ vọng vào biện pháp kích thích kinh tế của các nền kinh tế lớn nhằm đối phó dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường trong khi số ca nhiễm mới tại Trung Quốc giảm đáng kể.
Giá dầu quay đầu đi lên trong phiên ngày 10/3.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ gặp lãnh đạo Thượng viện và các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện trong ngày 10/3 để cùng tìm một số biện pháp "cứu" nền kinh tế, như cắt giảm thuế thu nhập và tăng cường luật bảo vệ những người hưởng lương theo giờ có thể mất việc vì dịch Covid-19 lan rộng tại nước này.

Ngoài ra, Phó Tổng thống Mike Pence cho biết, chính quyền Mỹ đang tham khảo ý kiến ​​của Quốc hội về việc chi trả tiền nghỉ ốm cho người lao động mất việc vì dịch Covid-19.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản dự định dành hơn 4 tỷ USD trong gói bổ sung ngân sách khẩn cấp thứ hai để phòng chống và ngăn chặn dịch Covid-19.

Cụ thể, giá dầu Brent chốt phiên tăng 1,44 USD, tương đương khoảng 4%, lên 35,80 USD/thùng sau khi có thời điểm tăng lên mức 37,38 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 32,65 USD/thùng, nhích 1,52 USD, tương đương khoảng 5%.

Hai mặt hàng dầu chủ chốt này đã giảm 25% trong phiên 9/3, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016 và ghi nhận mức giảm trong ngày (tính theo phần trăm) lớn nhất kể từ ngày 17/1/1991 - thời điểm giá dầu lao dốc ngay khi chiến tranh vùng Vịnh nổ ra.

Bên cạnh đó, niềm tin của các thương nhân cũng được cải thiện sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Vũ Hán lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại đây, giữa lúc tình hình lây lan dịch bệnh tại Trung Quốc đã giảm đáng kể.

Thị trường năng lượng cũng được hỗ trợ nhờ hy vọng về một giải pháp cho cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Saudi và Nga cũng như khả năng Mỹ cắt giảm sản lượng, mặc dù giới phân tích cảnh báo đà phục hồi của giá “vàng đen” có thể chỉ là tạm thời do nhu cầu tiếp tục bị ảnh hưởng do tác động kinh tế của dịch Covid-19.

Bộ trưởng dầu mỏ Nga Alexander Novak cho biết ông không loại trừ có thể hợp tác với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để ổn định thị trường năng lượng, đồng thời nói thêm rằng cuộc họp sắp tới của các nước trong và ngoài OPEC đã được lên kế hoạch trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 6 tới.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã gấp rút cắt giảm chi tiêu và có thể giảm sản lượng sau khi OPEC quyết định bơm thêm vào thị trường dầu toàn cầu vốn đang bị ảnh hưởng do nhu cầu giảm sút.

Khi bạn nhìn vào đòn bẩy đối với ngành công nghiệp dầu mỏ, với mức giá khoảng 30 USD/thùng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất sẽ không có lợi nhuận”, Jonathan Barratt - giám đốc đầu tư của Tập đoàn Probis cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần