Giá dầu rời đỉnh 3 năm do dấu hiệu thị trường quá nóng

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/1, giá dầu thô giảm nhẹ khỏi mức cao nhất trong gần 3 năm do thị trường năng lượng có dấu hiệu tăng nóng mặc dù sản lượng dầu của Mỹ bất ngờ sụt giảm.

Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 63,46 USD/thùng, giảm 11 xu Mỹ so với mức đỉnh kể từ tháng 12/2014 là 63,67 USD/thùng đạt được trong phiên giao dịch trước đó.
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 11/1.
Giá dầu thô Brent giao sau ở mức 69,05 USD/thùng, lùi 15 xu Mỹ so với ngưỡng 69,37 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 5/2015 trong phiên giao dịch hôm thứ Tư.
Trung tâm phân tích thị trường nhiên liệu BMI cho biết, trong quý I/2018, yếu tố bất lợi với giá dầu Brent là dấu hiệu thị trường năng lượng quá nóng.
Thị trường dầu mỏ chịu áp lực giảm giá trong phiên giao dịch này khi Iran và Iraq, nước sản xuất dầu lớn thứ 2 và thứ 3 trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tuần này đã giảm giá bán để thu hút nhiều khách hàng mới.
Trước đó, các hợp đồng dầu thô tương lai đã đạt mức cao nhất 3 năm trong phiên giao dịch ngày 10/1, trong đó giá dầu WTI đóng cửa vượt mức 63 USD/thùng, sau khi dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô nội địa giảm 8 tuần liên tiếp cùng với đà giảm mạnh của sản lượng dầu thô tại Mỹ.
Ngày 10/1, EIA cho biết nguồn cung dầu thô của Mỹ giảm 4,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 5/1, thấp hơn dự báo giảm 11,2 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API), nhưng cao hơn dự báo giảm 3,5 triệu thùng của các nhà phân tích thị trường. Trong khi đó, tổng sản lượng dầu thô tại Mỹ giảm 290.000 thùng/ngày xuống còn 9,492 triệu thùng/ngày trong tuần trước, theo dữ liệu từ EIA.
Trong thời gian vừa qua, thị trường dầu mỏ phục hồi mạnh do nhận được sự hỗ trợ từ nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga từ đầu năm ngoái. Hồi cuối tháng 11 năm ngoái, các thành viên trong và ngoài OPEC đã nhất trí gia hạn thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày đến hết năm 2018.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định việc Mỹ liên tục gia tăng sản lượng khai thác dầu đá phiến đang tác động tiêu cực đến nỗ lực giảm nguồn cung trên thị trường dầu toàn cầu của OPEC và Nga.
John Macaluso - chuyên gia phân tích tại Tyche Capital Advisors, nhận định: “Mặc dù nguồn cung dầu thô tại Mỹ đã sụt giảm gần 2 tháng qua, nhưng sản lượng nội địa vẫn đang tiến rất gần mốc 10 triệu thùng/ngày”.
Chuyên gia Macaluso tin rằng đà sụt giảm mới đây của sản lượng tại Mỹ có thể gây ra tác động mạnh đến giá dầu nếu các chỉ báo phân tích kỹ thuật không cho thấy giá dầu đang trong tình trạng quá nóng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần