Giá dầu rời đỉnh từ năm 2014 nhờ căng thẳng tại Trung Đông hạ nhiệt

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch sáng 25/4, giá "vàng đen" quay đầu giảm, rời khỏi mức cao nhất trong 3 năm khi những quan ngại về việc chính quyền Mỹ có thể sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran đã giảm đi phần nào.

Động thái này đã khiến giới đầu tư bớt lo ngại về nguồn cung dầu có thể bị gián đoạn do sản lượng dầu của Tehran giảm sút.
Giá dầu giảm nhẹ so với mức đỉnh thiết lập được trong phiên trước đó trong bối cảnh lượng dự trữ và sản lượng khai thác dầu của Mỹ tiếp tục tăng cao hơn dự báo.
Cụ thể, giá dầu thô Brent kỳ hạn giao dịch ở mức 73,78 USD/thùng, giảm 8 xu Mỹ so với đầu phiên và gần 1,7 USD so với mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 lên 75,47 USD/thùng trong phiên 24/4.
 Giá dầu quay đầu giảm nhẹ trong phiên 25/4.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 4 xu Mỹ, xuống còn 67,66 USD/thùng. Giá dầu này đã đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 lên 69,56 USD/thùng lập được hồi đầu tháng này.
Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã cam kết sẽ tìm cách giải quyết những khác biệt trong quan điểm giữa Mỹ và châu Âu về vấn đề Iran. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo chung, Tổng thống Trump đã không lặp lại những lời đe dọa rằng sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mặc dù đã tỏ rõ quan điểm rằng ông không còn kiên nhẫn đối với vấn đề này. 
Từ nay đến 12/5, chính quyền Tổng thống Trump sẽ quyết định có xem xét việc dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran hay không. Việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran sẽ khiến nguồn cung dầu trên thế giới bị thu hẹp.
Stephen Innes, Giám đốc doanh nghiệp môi giới hàng hóa kỳ hạn OANDA, cho biết các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran "có thể đẩy giá dầu tăng thêm đến 5 USD/thùng." 
Ngoài những yếu tố địa chính trị, thông tin do Viện Dầu khí Mỹ công bố cho thấy dự trữ dầu thô của nước này đã bất ngờ tăng, trái ngược với những dự đoán trước đó cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá dầu đi xuống trong phiên này. 
Các kho dự trữ dầu thô Mỹ tăng 1,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 20/4 lên tới 429,1 triệu thùng, theo báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ.
Hoạt động khai thác dầu đá phiến tại Mỹ.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI phụ thuộc nhiều vào tình hình địa chính trị để tiếp tục tăng, vì vậy giá mặt hàng dầu này chịu tác động suy yếu khi căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt. “Trong khi sản lượng dầu đá phiến Mỹ tăng vẫn là một tâm điểm của thị trường và gây áp lực giảm lên giá dầu, sẽ khá thú vị khi quan sát giá dầu tăng đến mức nào trước khi giảm trở lại”, Lukman Otunuga, nhà phân tích nghiên cứu tại Trung tâm giao dịch ngoại hối của FXTM nói.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố báo cáo hàng tuần về tình hình thị trường dầu mỏ Mỹ ngày 25/4. Các chuyên gia được S&P Global Platts khảo sát cho rằng tồn kho dầu thô Mỹ giảm 1,1 triệu thùng trong tuần trước.
Lukman Otunuga, chuyên gia phân tích tại FXTM, cho rằng giá dầu có thể tăng trong ngắn hạn, nhưng sự bền vững của đà tăng là điều chưa chắc chắn.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng giá dầu vẫn duy trì quanh mức cao nhất của hơn 3 năm qua. Giá năng lượng bắt đầu phục hồi từ năm 2016 khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga nhất trí thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng để hạn chế tình trạng dư cung toàn cầu.
Nhiều nhà phân tích đánh giá tình trạng dư cung toàn cầu kéo dài từ năm 2014 đã chấm dứt do sự gián đoạn nguồn cung và nhu cầu dầu thế giới mạnh mẽ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần