Giá dầu quay đầu giảm sau khi vượt 71 USD/thùng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu giảm khi đóng cửa phiên hôm 8/3 sau khi vượt ngưỡng 71 USD lần đầu tiên trong hơn 1 năm ở đầu phiên giao dịch.

Trong phiên giao dịch ngày đầu tuần, giá dầu Brent lần đầu tiên vượt qua mốc 70 USD/thùng kể từ ngày 8/2/2020, nhưng không duy trì được thành quả này và chốt phiên với mức giảm khá mạnh.
Giá dầu chốt phiên 8/3 sụt nhẹ sau khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 71 USD/thùng
Giá dầu tăng mạnh ngay đầu phiên sau khi Ả Rập Saudi cho biết, một cơ sở dầu lửa của nước này đã bị tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái hôm 7/3. Lực lượng Houthi ở Yemen đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Giá dầu Brent giao sau có thời điểm nhảy vọt lên 71,38 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ có lúc lên tới 67,98 USD/thùng, cao nhất từ tháng 10/2018.
Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch, giá dầu Brent lại mất 20 xu Mỹ, tương đương giảm 0,2%, còn 69,16 USD/thùng. Giá dầu WTI sụt 13 xu Mỹ, tương đương 0,27%, còn 65,96 USD/thùng.
Thị trường dầu khởi sắc đầu phiên do gia tăng tâm lý lo ngại nguồn cung dầu tại Trung Đông bị gián đoạn.
Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi ngày 7/3 cho biết, một máy bay không người lái đã tấn công khu bồn chứa dầu ở cảng Ras Tanura, một trong những cảng vận chuyển dầu lớn nhất thế giới. Trong khi đó, mảnh đạn từ một tên lửa đạn đạo rơi xuống gần khu nhà ở của cơ sở dầu mỏ Saudi Aramco thuộc thành phố Dhahran.
Vụ tấn công làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông, có nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ khu vực cung cấp dầu lớn nhất thế giới.
Cả dầu Brent và WTI vừa có tuần tăng mạnh sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh đã quyết định giữ nguyên phần lớn thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong tháng 4 tới.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI đã tăng khoảng 37%, nhờ kỳ vọng phục hồi kinh tế toàn cầu dựa trên vaccine Covid-19 và những gói kích cầu khổng lồ của các nước.
Mặc dù giá dầu đang leo dốc mạnh mẽ, nhưng Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi vẫn đánh giá thận trọng về triển vọng phục hồi của nhu cầu năng lượng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới, cho rằng giá dầu tăng có thể đe dọa đà phục hồi ở nhiều nước vốn do hoạt động tiêu dùng dẫn dắt.
Trong khi đó, nhà phân tích dầu mỏ Louise Dickson của Rystad Energy nhận định: “Giới đầu tư cần thận trọng với đà tăng nóng của giá dầu. Chúng tôi nhận định rằng cung và cầu hiện đang giữ mức cân bằng, vì vậy trong dài hạn giá dầu khó có thể duy trì đà tăng mạnh”./.