Giá dầu tăng 3 tuần liên tiếp sau cuộc họp của OPEC

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường “vàng đen” giao dịch khởi sắc trong tuần, giá dầu ngọt nhẹ WTI tiến 0,4%, đánh dấu tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng vọt 2,2%, ghi nhận tuần tăng giá thứ tư liên tiếp của mặt hàng này.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 18/9), giá dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức 50 USD/thùng, gần đạt mức cao nhất được ghi nhận trong tuần trước trong bối cảnh số lượng giàn khoan của Mỹ giảm và các nhà máy lọc dầu tiếp tục khởi động lại sau khi bão Harvey.
Cùng ngày, Ngân hàng ANZ cho biết: “Dự báo nhu cầu tăng từ Nhóm Các nước xuất khẩu dẩu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tiếp tục cải thiện tâm lý của thị trường. Báo cáo của các nhà máy lọc dầu cũng thể hiện đà phục hồi tốt hơn nhiều sau những cơn bão vừa qua”.
Giá dầu tăng 3 tuần liên tiếp sau cuộc họp của OPEC.
Sang phiên giao dịch ngày 19/9, giá dầu thế giới giảm sau khi các nhà đầu tư dự đoán dự trữ dầu mỏ của Mỹ sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, ngày 20/9, giá dầu thô quay đầu tăng mạnh sau khi Bộ trưởng dầu mỏ Iraq Jabar al-Luaibi cho biết ở UAE, các thành viên trong và ngoài OPEC đang cân nhắc việc gia hạn cắt giảm sản lượng sau thời điểm tháng 3/2018 và có thể sẽ cắt giảm sâu hơn để hạn chế việc dư cung dầu toàn cầu.
Đến ngày 21/9, giá dầu thô tăng 2% bất chấp sản lượng dầu thô Mỹ tăng, ghi nhận quý có kết quả kinh doanh tốt nhất trong hơn 13 năm qua. Thị trường “vàng đen” nhận được sự hỗ trợ tăng giá sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cho biết OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác đang cân nhắc việc gia hạn thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng hoặc cắt giảm sâu hơn.
Thị trường “vàng đen” tiếp tục phục hồi mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần (22/9), sau khi cuộc họp của OPEC vừa khép lại tại Vienna (Áo).
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng nhẹ trong ngày 22/9, qua đó nới rộng đà leo dốc sang tuần thứ 3 liên tiếp, khi các nhà sản xuất dầu chủ chốt tại cuộc họp OPEC cho thấy mức độ tuân thủ kỷ lục thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI nhích 11 xu Mỹ (tương đương 0,2%) lên 50.66 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất trong 4 tháng, dữ liệu từ FactSet cho thấy. Tuần qua, hợp đồng này đã tiến 0,4%, đồng thời đánh dấu 3 tuần tăng giá liên tiếp. Trong khi đó, giá dầu Brent cộng 43 xu Mỹ (tương đương 0,8%) lên 56,86 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 2,2%. Đây cũng là tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp của loại dầu này.
Ngày 22/6, Ủy ban Giám sát chung các nước trong và ngoài OPEC, bao gồm các thành viên OPEC - Algeria, Kuwait và Venezuela - cũng như nhà sản xuất ngoài OPEC là Nga, đã công bố trong một thông cáo báo chí rằng các nước tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã đạt mức tuân thủ kỷ lục thỏa thuận này trong tháng qua.
Theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng, các nước này sẽ cắt giảm khoảng 2% nguồn cung dầu toàn cầu đến tháng 3/20180. Ủy ban Giám sát chung các nước trong và ngoài OPEC cho biết, các nhà sản xuất đã đạt được mức tuân thủ 116% trong tháng 8, cao hơn mức 94% đạt được hồi tháng 7.
Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa tại Schneider Electric, nhận định: “Thông báo này cho thấy sự lạc quan về hiệu quả của việc cắt giảm sản lượng”.
Bên cạnh đó, sản lượng dầu tại Mỹ có thể suy yếu cũng hỗ trợ tích cực cho đà tăng của giá dầu thế giới. Dữ liệu từ Baker Hughes công bố trong ngày thứ Sáu cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ mất 5 giàn còn 744 giàn, qua đó ghi nhận tuần sụt giảm thứ 3 liên tiếp.
Trong 3 tháng qua, giá dầu thế giới tăng thêm 16%, cho thấy thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC nhằm thu hẹp nguồn cung và vực dậy giá dầu đã phần nào phát huy hiệu quả. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ dầu tăng cao cũng hỗ trợ cân bằng thị trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần