Giá dầu tăng mạnh nhờ nhà đầu tư lạc quan với chính sách của FED

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” tiếp tục tăng trong phiên 30/7 nhờ tâm lý lạc quan đối với khả năng cắt giảm lãi suất lần đầu tiên hơn 10 năm của FED.

Các nhà giao dịch dầu mỏ đang chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tuần này, với kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ hạ chi phí cho vay lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài hơn một thập niên trước.
Tổng thống Trump vừa tiếp tục kêu gọi ngân hàng trung ương làm nhiều hơn “một đợt hạ lãi suất nhỏ” trong cuộc họp chính sách tuần này. Kinh tế của Mỹ trong quý II vừa qua tăng trưởng tích cực hơn dự báo, qua đó làm gia tăng triển vọng đối với tiêu thụ dầu mỏ. 
Tâm lý lạc quan trước cuộc họp chính sách của FED lấn át kỳ vọng thấp đối với vòng đàm phán mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thượng Hải.
 Giá dầu tăng mạnh trong phiên 30/7.
Các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại vòng đàm phán từ ngày 30-31/7 và đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ thỏa thuận đình chiến đạt được tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản hồi tháng trước. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định không có nhiều tiến triển đạt được tại vòng đàm phán này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Trung Quốc có thể không muốn ký một thỏa thuận thương mại cho đến sau khi kết thúc cuộc bầu cử Mỹ năm 2020. 
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 56 xu Mỹ lên 64,27 USD/thùng. Tuy nhiên, giá mặt hàng dầu này đang trên đà chứng kiến mức sụt giảm hơn 3% trong tháng này do mối lo ngại nhu cầu dầu tăng yếu.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng nhích 44 xu Mỹ, lên ngưỡng 57,31 USD/thùng, song lại có thể thiết lập mức giảm hàng tháng khoảng 1,8%.
Các nhà phân tích của PV PVM nhận xét: “Giá dầu trong phiên này nhận được lực đẩy quan trọng từ việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nối lại các cuộc đàm phán thương mại và kỳ vọng vào đợt cắt giảm lãi suất của FED”.
Bên cạnh đó, giá dầu thế giới còn được hỗ trợ bởi yếu tố rủi ro nguồn cung do tình hình căng thẳng tại Eo biển Hormuz, tuyến hàng hải huyết mạch trung chuyển khoảng 1/5 lượng dầu trên thế giới, vẫn ở mức cao. 
Giám đốc tài chính Công ty dầu khí BP của Anh, ông Brian Gilvary, hôm 30/7 cho biết, tập đoàn này không có bất kỳ tàu dầu nào đi qua Eo biển Hormuz kể từ ngày 10/7 sau khi một tàu bị Iran đe dọa bắt giữ.
Quan hệ căng thẳng giữa Iran và phương Tây leo thang nghiêm trọng sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Anh tại Eo biển Hormuz hôm 19/7 vì vi phạm các quy định về an ninh hàng hải./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần