Giá dầu tăng mạnh nhờ tuyên bố của Ả Rập Saudi và nhu cầu tăng cao

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên 12/3 nhờ được hỗ trợ từ nỗ lực cắt giảm sản lượng do các nước OPEC dẫn đầu.

Nguồn tin từ một quan chức Ả Rập Saudi hôm 11/3 cho biết, nước này dự tính cắt giảm xuất khẩu dầu thô trong tháng 4 xuống dưới ngưỡng 7 triệu thùng/ngày bất chấp nhu cầu nhiều hơn của khách hàng. Điều này chứng tỏ nhà sản xuất lớn nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ làm 'bất cứ điều gì' để cân bằng lại thị trường và hỗ trợ giá dầu.
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên 12/3.
Theo quan chức này, Công ty dầu khí quốc gia Saudi Aramco sẽ xuất khẩu dầu thô ở mức dưới 7 triệu thùng dầu/ngày trong tháng này và tháng 4, mặc dù đã nhận được hợp đồng mua khoảng 7,6 triệu thùng dầu/ngày.
“Việc giảm lượng dầu xuất khẩu của Saudi Aramco cũng có nghĩa là sản lượng khai thác của Ả Rập Saudi sẽ ở mức dưới 10 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 4 tới”, quan chức trên nói với Reuters.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 12/3, giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 20 xu Mỹ, tương đương 0,4% so với phiên trước đó, lên mức 56,99 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng nhích 18 xu Mỹ, tương đương 0,3% lên mức 66,76 USD/thùng.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng được hưởng lợi từ nỗ lực cắt giảm sản xuất của các nước trong và ngoài OPEC và triển vọng nhu cầu dầu mỏ tăng cao mặc dù thị trường năng lượng vẫn chịu áp lực từ đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch nhận định: “Bất chấp những cơn gió ngược đối với kinh tế thế giới, chúng tôi dự báo giá dầu Brent sẽ duy trì mức giá trung bình 70 USD/thùng và giá dầu WTI sẽ ở mức 59 USD/thùng trong năm nay”.
Ngân hàng Hoa Kỳ cho biết, điều này một phần là do nhu cầu mạnh mẽ đối với động cơ diesel hàng hải dự kiến ​​từ năm tới là một phần của các quy tắc nhiên liệu mới được đưa ra bởi Tổ chức Hàng hải Quốc tế.
"Với sản lượng diesel đã đạt mức tối đa, các nhà tinh chế có thể cần phải nâng các đợt chạy trong 2H19 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm chưng cất biển", Bank of America nói. 
OPEC có thể chưa thay đổi quyết định về sản lượng
OPEC và các nước đồng minh có thể chưa thay đổi quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ được thực hiện từ đầu năm nay nhằm siết chặt nguồn cung trong bối cảnh sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục bùng nổ.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở ở Paris ngày 11/3 cho biết, các nhà sản xuất dầu mỏ tại Mỹ sẽ tiếp tục bổ sung khoảng 4 triệu thùng dầu/ngày trong năm tới.
IEA dự báo rằng sản lượng dầu của Mỹ vào năm 2024 sẽ đạt kỷ lục mới ở mức 13,7 triệu thùng/ngày, tăng 2,8 triệu thùng/ngày so với mức sản lượng khoảng 11 triệu thùng/ngày trong 2018.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ liên tục tăng mạnh đang cản trở nỗ lực cân bằng thị trường của OPEC và các đồng minh.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Khalid al-Falih, hôm 10/3 tuyên bố rằng nhiều khả năng OPEC sẽ không dừng chương trình cắt giảm sản lượng hiện nay trước cuối tháng 6.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters, Bộ trưởng Falih nói rằng sẽ là quá sớm nếu trước cuộc họp tháng 6, OPEC đã thay đổi thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà khối này đang thực thi cùng một số quốc gia đồng minh gồm Nga.
"Chúng tôi sẽ chờ xem điều gì xảy ra trong thời gian từ nay đến tháng 4, xem liệu có sự gián đoạn nguồn cung nào không. Trừ phi có sự gián đoạn, chúng tôi sẽ tiếp tục việc cắt giảm sản lượng", ông Falih nói.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu thế giới đã được hỗ trợ nhiều bởi việc nhóm OPEC và đối tác, hay còn gọi là OPEC+ cắt giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày. Kế hoạch này được nhóm triển khai từ đầu tháng 1 vừa qua.
OPEC+ sẽ có một cuộc họp vào ngày 17 - 18/4, tiếp đó là cuộc họp định kỳ vào ngày 25 - 26/6, để bàn về chính sách sản lượng.
Phát biểu của ông Falih "cho thấy rõ rằng Ả Rập Saudi và OPEC rất nghiêm túc trong việc thắt chặt nguồn cung dầu", nhà phân tich Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định.
Một thành viên OPEC khác là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ngày 10/3 khẳng định việc tiếp tục tuân thủ nghĩa vụ cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận đã nhất trí kể trên nhằm giảm sản lượng dầu dư thừa và cân bằng lại thị trường toàn cầu.
Các nguồn tin gần đây cho hay nhiều khả năng quyết định cắt giảm sản lượng của các nước sẽ tiếp tục được kéo dài tại cuộc họp tháng 6 tới, tuy rằng điều đó vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào việc Mỹ áp lệnh trừng phạt với các nước thành viên OPEC là Iran và Venezuela.
Quyết định cắt giảm sản lượng trên được thực hiện bởi 11 nước thành viên OPEC, ngoại trừ Iran, Libya và Venezuela (được miễn nghĩa vụ này).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần