Giá dầu lên mức trên 66 USD/thùng, sắp ghi nhận quý tăng mạnh nhất trong 8 năm

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu mỏ hiện đã tăng gần 25% tính từ đầu năm đến phiên ngày 18/2 và đang trên đà đạt quý leo dốc mạnh nhất kể từ năm 2011.

Giá dầu Brent vẫn giữ ở mức cao trong phiên giao dịch ngày 18/2 nhờ các nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng rằng việc cắt giảm nguồn cung dầu của Tổ chức Các nước xuất  khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh sẽ giúp thị trường thắt chặt hơn. Yếu tố tích cực này đã hạn chế phần nào những lo ngại về ảnh hưởng đối với giá dầu từ việc kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Giá dầu Brent được giao dịch ở mức 66,19 USD/thùng trong phiên 18/2.
Cụ thể, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 66,19 USD/thùng. Trong phiên này, có thời điểm giá mặt hàng dầu này đã chạm ngưỡng cao trong năm nay lên tới 66,83 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng nhích 37 xu Mỹ, lên mức 55,96 USD/thùng.
Giá “vàng đen” đã tăng gần 25% tính từ đầu năm đến nay, đang chứng kiến mức leo dốc mạnh nhất trong quý đầu tiên kể từ năm 2011.
Thị trường năng lượng khởi sắc trong thời gian qua nhờ việc các nước sản xuất dầu chủ chốt tuân thủ chặt cam kết giảm sản xuất, lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt đối với Iran và Venezuela, cũng như hy vọng cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung có thể sớm kết thúc. 
Thị trường dầu mỏ đang thắt chặt khi các nước OPEC và các nước đồng minh, dẫn đầu là Nga, thực hiện cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày từ đầu tháng 1 vừa qua. Bên cạnh đó, việc Iran và Venezuela - hai nước xuất khẩu dầu đồng thời là thành viên của OPEC - đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng là yếu tố hỗ trợ giá dầu trong phiên này. 

Các nhà đầu tư cho rằng, các thị trường tài chính, bao gồm thị trường giao dịch dầu kỳ hạn, nhìn chung cũng đang được hỗ trợ bởi những hy vọng rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm giải quyết các tranh cãi thương mại, vốn được coi là nguyên nhân kéo lùi tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 
Tuy nhiên, nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil Associates cho biết: “Có rất nhiều yếu tố có thể tác động mạnh đến giá dầu trong dài hạn, đó có thể là những quyết định khó lường của ông Donald Trump, diễn biến Brexit, các cuộc đàm phán thương mại hoặc sản lượng dầu thực tế của Libya và Venezuela.
Theo báo cáo công bố trong tuần trước của Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ tuần trước đã tăng số lượng giàn khoan thêm 3 giàn, nâng tổng số lên 857 giàn khoan.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần