Giá dầu tăng mạnh trong tuần đầu năm 2019 nhờ OPEC cắt giảm sản lượng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu đã leo dốc liên tiếp trong 3 phiên đầu tiên của năm 2019, tổng mức tăng 9,3% đối với dầu Brent và 5,8% dầu WTI.

Trong tuần đầu tiên của năm 2019, thị trường dầu mỏ giao dịch khởi sắc sau hơn 1 tháng sụt giảm mạnh nhờ nhà đầu tư đang tập trung vào các vòng đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc, dự kiến diễn ra từ ngày 7-8/1 tới.
Bên cạnh đó, số liệu tích cực về thị trường việc làm Mỹ cũng giúp giới đầu tư giảm lo ngại về tình trạng suy giảm kinh tế, qua đó giúp giá dầu nhảy vọt lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 12/2018. 
Giá dầu ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong năm 2019.
Trong tuần trước đó, kết thúc vào ngày 28/12/2018, giá dầu đã giảm nhẹ. Giá dầu ngọt nhẹ WTI sụt 0,57%, xuống còn 45,33 USD/thùng, còn dầu Brent hạ 3,01%, giao dịch ở mức 52,20 USD/thùng.
Trong ngày 31/12, triển vọng thương mại trên toàn cầu có dấu hiệu tích cực đã giúp thị trường dầu thế giới đóng cửa phiên giao dịch chốt năm 2018 với mức tăng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI đã tăng 0,08 USD lên mức 45,41 USD/thùng, trong khi dầu Brent nhích 0,59 USD, giao dịch ở mức 53,80 USD/thùng.
Tuy nhiên, thị trường dầu thế giới vẫn chứng kiến năm giao dịch tồi tệ nhất trong 10 năm qua trong năm 2018. Tính chung trong năm 2018, giá dầu thô WTI của Mỹ đã mất gần 25%, trong khi dầu Brent lao dốc gần 20%.
Giá dầu WTI và dầu Brent cùng giảm hơn 30% trong quý IV/2018, mức giảm mạnh nhất kể từ quý IV/ 2014. Giá “vàng đen” trượt dốc thê thảm kể từ tháng 10/2018 do Washington bất ngờ miễn trừ lệnh cấm cho một số khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran, lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, cùng với bất đồng thương mại Mỹ - Trung tác động tiêu cực đến triển vọng thương mại và nhu cầu đối với dầu mỏ. 
Sau khi đóng cửa nghỉ Năm mới ngày 1/1, giá dầu đi lên trong ngày 2/1 với sự hỗ trợ từ phiên tăng điểm mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, số liệu về hoạt động sản xuất và chế tạo từ Trung Quốc được công bố trước đó đã làm gia tăng lo ngại về khả năng tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu. 
Trong phiên giao dịch ngày 3/1, thị trường dầu tiếp tục khởi sắc trước những dấu hiệu cho thấy Ả Rập Saudi đang triển khai việc cắt giảm sản lượng dầu thô.
Theo một khảo sát của hãng tin Reuters, nguồn cung dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 12/2018 đã giảm mạnh nhất trong gần 2 năm, với sự khởi động cắt giảm sản lượng sớm của nhà xuất khẩu dầu hàng đầu của tổ chức này là Ả Rập Saudi. Trong khi đó, sản lượng dầu của Iran và Libya cũng sụt ngoài chủ đích. 
Giá dầu thế giới tiếp tục leo dốc trong phiên giao dịch ngày 4/1, khi vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung sắp diễn ra giúp giảm bớt những mối lo về suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế phần nào do dữ liệu cho thấy lượng tồn kho các sản phẩm lọc hóa của Mỹ tăng mạnh.
Chốt phiên, giá dầu Brent tăng 1,11 USD/thùng, tương đương tăng 2%, chốt ở 57,06 USD/thùng. Giá dầu WTI nhích 0,87 USD/thùng, tương đương 1,9%, đạt 47,96 USD/thùng.
Sau khi giảm mạnh trong năm 2018, giá dầu đã tăng liên tiếp trong 3 phiên đầu tiên của năm 2019, với tổng mức tăng hơn 9% đối với dầu Brent và gần 6% đối với dầu WTI.
Đà tăng của giá dầu trong phiên này cũng bị cản lại sau khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo hàng tuần cho thấy tồn kho xăng của nước này tăng 6,9 triệu thùng trong tuần trước, trong khi tồn kho các sản phẩm chưng cất tăng 9,5 triệu thùng. Tồn kho dầu thô của Mỹ hầu như không thay đổi trong tuần.
Giá dầu được hỗ trợ bởi việc OPEC và đối tác, gồm Nga, bắt đầu thực thi kế hoạch cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày từ ngày 1/1.
Nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận xét: “Việc tồn kho các sản phẩm từ dầu thô tăng mạnh thực sự đã khiến thị trường ngạc nhiên. Số liệu về tồn kho xăng gây thất vọng vì nhu cầu tiêu thụ xăng đang thấp mà nguồn cung lại tăng mạnh đến vậy".
Tuy nhiên, các công ty khai thác dầu lửa ở Mỹ đã giảm số giàn khoan dầu hoạt động lần đầu tiên trong 3 tuần, cho thấy kế hoạch khai thác dầu được thu hẹp lại sau khi giá dầu giảm sâu vào cuối năm ngoái.
Dữ liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 4/1, các công ty khai thác dầu ở Mỹ giảm 8 giàn khoan, đưa số giàn khoan hoạt động xuống còn 877 giàn.
Lực đẩy quan trọng cho giá dầu phiên này là việc Trung Quốc tuyên bố rằng một đoàn quan chức Mỹ sẽ tới Bắc Kinh để đàm phán thương mại vào ngày 7-8/1. Thông tin này giúp cải thiện tâm trạng của nhà đầu tư toàn cầu đối với các tài sản rủi ro, bao gồm cổ phiếu và dầu.
Ngoài ra, giá dầu mỏ còn được hỗ trợ từ bởi báo cáo việc làm khả quan của Mỹ.
Bộ Lao động Mỹ ngày 4/1 cho biết nước này có thêm 312.000 việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong tháng 12, vượt xa kỳ vọng của thị trường. Tiền lương và số người tìm kiếm việc làm cũng tăng, một dấu hiệu cho thấy sức tăng trưởng của nền kinh tế được duy trì.
Bên cạnh đó, giá dầu được hỗ trợ bởi việc OPEC và đối tác, gồm Nga, bắt đầu thực thi kế hoạch cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày từ ngày 1/1. Theo một cuộc khảo sát của Reuters, sản lượng dầu của OPEC đã giảm 460.000 thùng/ngày trong tháng 12.
Theo kế hoạch trên, các thành viên OPEC sẽ giảm sản lượng 800.000 thùng ngày, và số 400.000 thùng còn lại sẽ do Nga và các đối tác còn lại cắt giảm. Tâm điểm chú ý của thị trường thời gian tới sẽ là liệu thỏa thuận trên có được thực thi đầy đủ hay không.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần