Giá dầu tăng mạnh nhờ OPEC và lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran, Venezuela

Nguyễn Thu (Theo RT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” phục hồi trong phiên 12/2 nhờ việc cắt giảm sản lượng của OPEC và các biện pháp trừng phạt Mỹ đưa ra đối với ngành dầu mỏ Venezuela và Iran.

Trong phiên giao dịch này, giá dầu thế giới phục hồi sau khi chạm mức thấp nhất 2 tuần ở phiên 11/2 nhờ nỗ lực cắt giảm sản xuất của các thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh.
Giá dầu phục hồi trong phiên 12/2.
Cụ thể, trong phiên ngày 12/2, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,42% lên mức 52,63 USD/thùng, trong khi đó giá dầu Brent nhích 0,44% và giao dịch ở mức 61,78 USD/thùng. Giá dầu Brent hợp đồng giao tháng 4 trong phiên 11/1 đã lao dốc 1%, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 29/1.
Theo kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác đã đạt được trước đó, các nước thành viên OPEC cùng những nhà sản xuất dầu lớn khác trên thế giới đã bắt đầu giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày tổng cộng kể từ tháng 1/2019 để vực dậy giá dầu. Kế hoạch này dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 6 năm nay. 
Ả Rập Saudi - nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã cắt giảm sản lượng nhiều hơn dự kiến ​​theo thỏa thuận của OPEC, xuống còn 10,2 triệu thùng/ngày trong tháng 1 và đang nhắm tới việc bơm khoảng 100.000 thùng vào tháng 2.
Theo thỏa thuận được ký kết vào hồi tháng 12, riêng Ả Rập Saudi đã cam kết giảm sản lượng gần 400.000 thùng mỗi ngày xuống còn 10,24 triệu thùng/ngày.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), ông Suheil al-Mazrouei, cán cân cung và cầu trên thị trường dầu mỏ sẽ cân bằng trong quý I/2019 sau nhiều tuần sản lượng được cắt giảm.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới (WGS) diễn ra trong các ngày 10-12/2 tại Dubai, UAE, Bộ trưởng Mazrouei nói rằng các quốc gia trong và ngoài OPEC đã cắt giảm sản lượng đủ lớn để điều chỉnh lại thị trường. 
Dựa trên số liệu tạm thời về mức sản xuất trong tháng 1/2019, ông Mazrourei cho hay hầu hết các nước tham gia đều tuân thủ thực hiện thỏa thuận và đang nỗ lực hết khả năng để góp phần bình ổn thị trường. 
Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ vẫn còn rất nhiều biến động và hiện giá dầu dao động chỉ trên mức 60 USD/thùng sau khi đã phục hồi từ mức thấp 50 USD/thùng hồi cuối năm ngoái. Con số trên vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức 85 USD/thùng ghi nhận hồi đầu tháng 10/2018 trước khi giá dầu bắt đầu trượt dốc. 
Ngoài ra, các nhà phân tích đang cảnh báo rằng nguồn cung dầu tăng kỷ lục tại Mỹ và dự đoán về sự suy giảm kinh tế vào cuối năm nay có thể tác động tiêu cực đến đà phục hồi của giá “vàng đen”.
“Những lo lắng về tình trạng dư cung xuất phát từ Mỹ có thể sẽ vẫn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường năng lượng thế giới trong những tháng tới”, ông Edward Edward Moya - nhà phân tích thị trường của Công ty môi giới tương lai OANDA, nói với hãng tin Reuters.