Giá dầu nhảy vọt sau khi tàu chở dầu của Ả Rập Saudi bị tấn công ở vùng Vịnh

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu mỏ tiếp tục đi lên trong phiên 13/5 do lo ngại nguồn cung tại Trung Đông bị gián đoạn sau khi 2 tàu chở dầu của Ả Rập Saudi bị tấn công ở vùng Vịnh.

Nỗi lo nguồn cung dầu ở Trung Đông có khả năng thiếu hụt đã hạn chế tác động tiêu cực từ sự bế tắc của đàm phán thương mại Mỹ - Trung bế tắc đối với thị trường năng lượng và đẩy giá “vàng đen” phục hồi trong phiên này.
Giá dầu leo dốc mạnh sau khi tàu chở dầu của Ả Rập Saudi bị tấn công ở vùng Vịnh.
Cụ thể, giá dầu Brent tương lai tăng 1,81 USD lên mức 72,43 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng tăng 1,49 USD lên ngưỡng 63,15 USD/thùng.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saud Khalid al-Falih ngày 13/5 cho biết, 2 tàu chở dầu của quốc gia này đã bị "tấn công phá hoại" ở ngoài khơi TP cảng Fujairah của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Theo Bộ trưởng al-Falih, một trong 2 tàu kể trên đang trên đường vận chuyển dầu thô của Ả Rập Saudi từ cảng Ras Tanura tới các khách hàng của Tập đoàn dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco tại Mỹ. Riyadh cho rằng đây là một nỗ lực phá hoại an ninh nguồn cung dầu toàn cầu. 
Trước đó, hôm 12/5, UAE cho biết có 4 tàu thương mại bị phá hoại ở vùng biển gần cảng Fujairah của nước này - một trong những trung tâm hầm ngầm lớn nhất thế giới. Cảng Fujairah nằm gần eo biển Hormuz, một trong những tuyến đường thủy xuất khẩu dầu quan trọng nhất thế giới.
Ả Rập Saudi và UAE là các nước sản xuất dầu lớn nhất và lớn thứ 3 trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), theo khảo sát mới nhất của Reuters.
Ngày 13/5, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố các vụ tấn công nhằm vào các tàu ở vùng Vịnh là "đáng báo động", đồng thời kêu gọi tiến hành điều tra làm rõ các vụ việc này.
“Các báo cáo về vụ phá hoại các tàu chở dầu ở gần cảng Fujairah có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng thêm những rủi ro với nguồn cung tại khu vực Trung Đông vốn đang bị ảnh hưởng từ căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran”, JBC Energy cho biết.
Theo Trung tâm JBC Energy, tình hình căng thẳng địa chính trị leo thang tại Trung Đông cùng việc nguồn cung dầu từ Venezuela và Iran giảm mạnh sẽ tiếp tục là lực đẩy cho giá “vàng đen”.
Giá dầu đã nhảy vọt hơn 30% kể từ đầu năm đến nay do các lệnh trừng phạt của chính quyền Washington đối với xuất khẩu dầu mỏ của Iran và Venezuela.
Mỹ đã tái áp đặt toàn bộ các biện pháp trừng phạt đối với Iran từ tháng 11/2018 sau khi rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran ký năm 2015 giữa Tehran và Nhóm P5+1 hồi tháng 5 năm ngoái.
Bên cạnh đó, thị trường dầu khởi sắc trong phiên này nhờ nhận được lực đẩy từ số lượng giàn khoan dầu của Mỹ suy giảm. Theo số liệu mới nhất, các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần trước đã giảm số lượng giàn khoan dầu lần thứ 3 trong 4 tuần liên tiếp, xuống còn 805 giàn khoan.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần