Giá dầu thế giới chạm đỉnh 2 tháng, tăng tuần thứ 3 liên tiếp

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ WTI cùng tăng khoảng 4% trong tuần này, đánh dấu tuần tăng thứ 3 liên tục sau khi lao dốc chóng mặt trong quý 4/2018.

Mặc dù biến động khá thất thường trong tuần, song với đà tăng mạnh ở phiên cuối tuần, thị trường “vàng đen” vẫn chứng kiến tuần đi lên thứ 3 liên tiếp.
Giá dầu tiếp tục tăng nhờ các tín hiệu lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã đẩy lùi lo ngại về nguy cơ gia tăng xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra, những số liệu mới nhất cho thấy sản lượng dầu toàn cầu có xu hướng giảm cũng góp phần hỗ trợ giá dầu mỏ.
Giá dầu ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp.
Trong phiên giao dịch ngày 14/1, giá dầu thế giới đã mất hơn 2% trước áp lực của số liệu cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu ở Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới đang giảm sút, qua đó làm dấy lên những lo ngại rằng đà tăng trưởng kinh tế giảm tốc trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 12/2018 giảm mạnh nhất 2 năm và nhập khẩu cũng giảm, trái ngược với dự báo tăng mà giới phân tích đưa ra trước đó. Những con số này được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng yếu đi của nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, giá dầu đã quay đầu tăng trong 2 ngày 15 và 16/1 sau khi Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc phát tín hiệu sẽ tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế.
Ngày 15/1, Ủy ban Phát triển và cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) tuyên bố sẽ có thêm các biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng, trong đó có giảm thuế trên diện rộng. Thông tin này đã giúp cải thiện tâm trạng của giới đầu tư toàn cầu, theo đó đẩy giá các tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu và hàng hóa cơ bản, trong đó có dầu thô, leo dốc.
Theo Gene McGillian - Giám đốc mảng nghiên cứu thị trường của Tradition Energy ở Stamford, Mỹ, những lo ngại về nguy cơ nền kinh tế suy giảm trong năm 2019 dường như đã tạm lắng xuống khi thị trường đón nhận những thông tin báo hiệu rằng nền kinh tế có thể diễn tiến tốt hơn dự kiến.
Mặc dù vậy, đà tăng giá trong 2 phiên này bị tác động bởi việc Hạ viện Anh bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May và các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí trước đó.
Sang phiên giao dịch ngày 17/1, giá dầu đi xuống do lo ngại về sản lượng dầu tăng cao của Mỹ và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu ảm đạm trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa được giải quyết.
Trong báo cáo hàng tháng, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu trung bình của toàn cầu 2019 còn 30,83 triệu thùng/ngày, giảm 910.000 thùng/ngày so với mức trung bình của năm 2018.
OPEC cũng cho biết, sản lượng khai thác dầu của khối giảm 751.000 thùng/ngày trong tháng 12 - một tín hiệu cho thấy tổ chức này đang tiến tới thực thi đầy đủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà khối đã đạt được với đối tác gồm Nga hồi đầu tháng 12 năm ngoái.
Nhưng trong khi OPEC và các đồng minh cắt giảm sản lượng, Mỹ lại đạt mức sản lượng dầu kỷ lục, tới gần 12 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Ngoài ra, giới đầu tư cũng lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu năm nay sẽ cao hơn mức tăng về nhu cầu tiêu thụ loại năng lượng này.
"Điều đó sẽ gây sức ép giảm giá lên toàn thị trường, ít nhất cho tới khi chúng ta có được một số thông tin mới", bao gồm từ OPEC - ông Thomas Saal, Phó chủ tịch INTL Hencorp Futures, nhận xét.
Thị trường dầu mỏ khởi sắc trong tuần qua.
Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 18/1, đạt mức cao nhất trong gần 2 tháng, cùng với sự đi lên của thị trường chứng khoán nhờ thông tin nói rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch nhằm giảm thặng dư thương mại với Mỹ.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 1,73 USD/thùng, tương đương tăng 3,3%, chốt ở 53,8 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 21/11/2018. Giá dầu Brent chốt phiên với mức tăng 1,52 USD/thùng, tương đương tăng 2,48%, đạt 62,7 USD/thùng.
Tính chung trong tuần giá của 2 mặt hàng dầu này đều nhích khoảng 4%, đánh dấu tuần tăng thứ 3 liên tục sau 3 tháng sụt giảm thê thảm vào cuối năm 2018.
Thị trường năng lượng khởi sắc hơn trong phiên này sau khi hãng tin Bloomberg đưa tin rằng Trung Quốc muốn tăng nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc thêm 1 nghìn tỷ USD trong thời gian từ nay đến năm 2024 để giảm thặng dư thương mại Trung - Mỹ về mức bằng 0.
Thời gian qua, xung đột thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đã làm dấy lên lo ngại về suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. "Câu hỏi khó nhất về thị trường dầu năm 2019 là mức nhu cầu. Bởi vậy mà giá dầu đang diễn biến rất sát với thị trường chứng khoán, phản ánh các kỳ vọng về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu", Tamar Essner - Giám đốc phụ trách mảng năng lượng thuộc Nasdaq Corporate Solutions, nhận định.
Trong một báo cáo công bố ngày 18/1, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng việc đưa thị trường dầu đang dư cung hiện nay về trạng thái cân bằng sẽ là một cuộc chạy đường dài thay vì một cuộc chạy nước rút, bởi nhu cầu vẫn đang rất bấp bênh trong khi sản lượng khai thác dầu của Mỹ vẫn tiếp tục bùng nổ.
Mặc dù vậy, dữ liệu mới nhất từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho thấy, sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ tăng chậm lại trong thời gian tới. Tuần trước, số lượng giàn khoan dầu hoạt động của Mỹ đã giảm 21 giàn, còn 852 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 5.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần