Giá dầu thế giới giảm do thị trường thận trọng trước căng thẳng Mỹ-Iran

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên sáng 14/5, giá dầu thế giới lùi khỏi mức cao nhất 3,5 năm do hoạt động khai thác dầu mỏ ở Mỹ tiếp tục tăng và một số nước ở châu Âu và châu Á đưa ra quan điểm về lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Cụ thể, giá dầu Brent giao dịch ở mức 76,79 USD/thùng, giảm 33 xu Mỹ, tương đương 0,4% so với phiên trước đó. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ hạ 19 xu Mỹ, tương đương 0,3% xuống mức 70,51 USD.
Giá "vàng đen" tăng mạnh trong tuần trước sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và dọa tái áp đặt “những lệnh trừng phạt kinh tế ở cấp độ cao nhất” với quốc gia này.
Giá dầu thế giới giảm do thị trường thận trọng trước căng thẳng Mỹ-Iran. 
Giá dầu WTI tương lai tuần trước tăng 1,4% và đạt ngưỡng 71,89 USD/thùng trong phiên 10/5, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Giá dầu Brent tương lai tăng 2,8% và đạt đỉnh hôm 10/5 với mức giá cao nhất trong 3,5 năm là 78 USD/thùng.
Động thái rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran của chính quyền Tổng thống Trump mở đường cho việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Dự báo rằng các lệnh trừng phạt sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp dầu mỏ Iran và hạn chế nguồn cung toàn cầu, qua đó giúp hỗ trợ giá dầu.
Chiến lược gia thị trường Greg McKenna thuộc AxiTrader nhận định rằng thị trường dầu toàn cầu sẽ thiếu khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày khi Mỹ chính thức áp đặt lệnh trừng phạt Iran. Tuy nhiên, ông McKenna cho rằng chưa chắc chắn Mỹ đã áp đặt được lệnh trừng phạt theo dự định do Đức thông báo sẽ bảo vệ các công ty của nước này trước lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong khi đó, Iran cho biết hãng dầu mỏ Total của Pháp vẫn không có động thái rút khỏi các mỏ đang khai thác, trong khi Trung Quốc sẵn sàng bù đắp lượng dầu thiếu hụt do lệnh trừng phạt của vWashington đối với Tehran.
Trong quá khứ, các lệnh trừng phạt Iran đã khiến kim ngạch xuất khẩu dầu của nước này mất khoảng 1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, bởi vì Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác quyết định gắn bó với thỏa thuận, lệnh trừng phạt của Mỹ có thể chỉ ảnh hưởng đến khoảng 350.000 thùng/ngày, các nhà phân tích tại MUFG Bank cho biết.
Ả Rập Saudi, nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đang nghiên cứu quyết định của Tổng thống Trump nhưng sẽ không hành động một mình để lấp đầy bất cứ nguồn cung thiếu hụt nào.
Ngân hàng Bank of America đã dự báo giá dầu Brent có thể đạt mức 90 USD/thùng vào quý II/2019, đồng thời lưu ý giá dầu có thể vọt lên mốc 100 USD/thùng vào năm 2019.
Ngoài yếu tố địa chính trị, giới đầu tư dầu thô còn xem xét việc Mỹ liên tục tăng sản lượng. Cuối tuần qua, Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết các công ty năng lượng Mỹ đã tăng thêm 10 giàn khoan mới tính đến ngày 11/5, nâng tổng số giàn khoan hoạt động ở Mỹ lên 844 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015. Với đà này, sản lượng khai thác dầu mỏ của Mỹ được dự báo có thể vượt mức 11 triệu thùng/ngày của Nga trong năm nay.
Các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tiền tệ đã giảm đặt cược giá dầu thô Mỹ tăng giá trong tuần gần đây nhất xuống mức thấp nhất trong gần 5 tháng, theo Ủy ban giao dịch Hàng hóa kỳ hạn Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần