Giá dầu thế giới giảm hơn 1% do sản lượng của Mỹ phục hồi

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/1, giá dầu lùi hơn 1% trong bối cảnh thông tin về sản lượng dầu thô tại Mỹ phục hồi, tuy nhiên đà giảm được hạn chế khi tồn kho dầu thô của nước này tiếp tục sụt giảm.

Cụ thể, giá dầu thô Brent kỳ hạn ở mức 68,65 USD/thùng, giảm 66 xu Mỹ hay 0,95% so với đóng cửa phiên trước. Trong ngày 15/1, giá mặt hàng dầu này đã đạt 70,37 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 12/2014.
Giá dầu thế giới giảm hơn 1% do sản lượng của Mỹ phục hồi.
Trong khi đó, dầu thô WTI kỳ hạn của Mỹ giao dịch với 63,23 USD/thùng, giảm 72 xu Mỹ, tương đương 1,19% so với đóng cửa phiên trước. Dầu ngọt nhẹ WTI cũng chạm ngưỡng 64,89 USD/thùng trong ngày 16/1, mức cao nhất kể từ tháng 12/2014.
Hai loại dầu chủ chốt này đang hướng đến tuần mất giá nhiều nhất kể từ tháng 10/2017. 
Các nhà giao dịch cho biết giá "vàng đen" quay đầu đi xuống do sản lượng dầu tại Mỹ phục hồi sau đợt sụt giảm gần đây, cũng như dự báo nhu cầu giảm khi mùa Đông kết thúc tại khu vực bắc bán cầu.
Thị trường vẫn lo ngại rằng nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga sẽ đẩy giá dầu lên, nhưng lại khuyến khích Mỹ đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu mỏ. Sau khi sụt giảm khai thác do thời tiết lạnh, sản lượng khai thác của Mỹ tăng lên 9,75 triệu thùng/ngày vào cuối tuần qua. 
Trong báo cáo hàng tuần ngày 18/1, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của nước này giảm 6,9 triệu thùng trong tuần tính đến 12/1 xuống 412,7 triệu thùng, đánh dấu tuần giảm thứ 9 liên tục và giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. 
Báo cáo của EIA cũng cho thấy dự trữ xăng tăng 3,6 triệu thùng lên 240,9 triệu thùng, song thấp hơn 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó các sản phẩm chưng cất giảm 3,9 triệu thùng xuống 139,2 triệu thùng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước. 
EIA dự báo sản lượng khai thác dầu Mỹ sẽ sớm vượt ngưỡng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 2 năm nay và 11 triệu thùng/ngày vào năm 2019, sẽ cạnh tranh với các nước sản xuất dầu hàng đầu như Nga và Ả Rập Saudi.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra vị thế mua vào vượt trội tại các thị trường dầu mỏ tài chính như một phanh hãm với đà tăng. Nhiều thương nhân có thể sớm thu lợi nhuận từ đợt giá tăng gần đây, giá đã tăng khoảng 14% kể từ đầu tháng 12/2018.
Tuy nhiên, trong dài hạn, giá dầu vẫn được hỗ trợ tốt và phần lớn các nhà phân tích dự báo sẽ không có đợt sụt giảm mạnh.
Động lực chính thúc đẩy giá "vàng đen" là việc cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga bắt đầu từ tháng 1/2017. Thỏa thuận cắt giảmm sản lượng của các thành viên trong và ngoài OPEC được kéo dài đến hết năm nay nhằm siết chặt thị trường dầu toàn cầu và hỗ trợ giá.