Giá dầu tiếp tục suy yếu do triển vọng nhu cầu giảm

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tiếp tục suy yếu trong phiên 9/11 sau khi chính thức bước vào “thị trường gấu” do nguồn cung toàn cầu liên tục tăng cao.

Trong phiên giao dịch ngày 9/11, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao dịch ở mức 66,61 USD/thùng, giảm 6 xu Mỹ so với phiên trước đó. Tính chung trong tuần này, giá mặt hàng dầu này dự kiến mất khoảng 4%, ghi nhận tuần giảm thứ 5 liên tiếp.

Giá dầu giảm mạnh trong ngày 8/11.

Giá dầu Brent cũng sụt 9 xu Mỹ, xuống còn 70,74 USD/thùng. Giá dầu Brent dự kiến giảm 3% trong tuần và ghi nhận 5 tuần trượt dốc liên tục. Trước đó, giá "vàng đen" lao dốc phiên thứ 9 liên tiếp trong ngày 8/11, chính thức bước vào thị trường “con gấu” do nguồn cung tăng cao.

Dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ đã lao dốc khoảng 21% sau khi chạm đỉnh 5 tuần, xác nhận chính thức bước vào “thị trường con gấu”.
Trong phiên giao dịch ngày 8/11, giá dầu WTI giảm mạnh, ghi nhận trượt dốc phiên thứ 9 liên tiếp, qua đó đẩy giá dầu bước vào “thị trường con gấu” trong bối cảnh đà tăng mạnh của sản lượng dầu thô từ các nhà sản xuất chủ chốt làm gia tăng nỗi lo ngại về sự dư cung toàn cầu.
Các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ và một số dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu thô tại Iraq, Abu Dhabi và Indonesia sẽ tăng nhanh hơn dự kiến trong năm 2019.
Điều này khiến giá dầu đánh mất đà tăng ở đầu phiên sau số liệu mới nhất cho thấy nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong tháng 10/2018 là 9,61 triệu thùng/ngày, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2017.
Chốt phiên giao dịch này, giá dầu WTI giảm 1 USD (tương đương 1,6%) xuống 60,67 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 3/2018. Trong khi đó, giá dầu Brent sụt 1,42 USD (tương đương 2%) còn 70,65 USD/thùng.
Đà sụt giảm bước vào “thị trường con gấu” của dầu WTI đã đánh dấu sự kết thúc của thị trường con bò dài nhất kể từ đầu năm 2015.
Sản lượng dầu thô của Ả Rập Saudi, Nga và Mỹ đã nhảy vọt trước các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ Iran, vốn được dự báo sẽ góp phần làm thắt chặt nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ của Iran bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/11. Tuy nhiên, Mỹ đã cấp miễn trừ tạm thời cho 8 quốc gia, cho phép các nước này tiếp tục mua dầu từ Iran.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ đã leo lên mức cao kỷ lục mới vào tuần trước, đạt 11,6 triệu thùng/ngày.
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cũng cho thấy nguồn cung dầu thô tại nước này tăng 7 tuần không ngừng nghỉ, vọt 5,8 triệu thùng trong tuần trước.
Ngoài ra, EIA đã nâng triển vọng sản lượng dầu thô nội địa trong năm 2018 và 2019. Trong năm 2019, Chính phủ Mỹ dự báo sản lượng bình quân đạt 12,06 triệu thùng/ngày.
Trong khi lo ngại về các lệnh trừng phạt Iran trước đó đã thúc đẩy giá dầu leo cao, thì đà lao dốc trong tháng 10 phản ánh kỳ vọng rằng sự gia tăng sản lượng từ Ả Rập Saudi và Nga sẽ bù đắp phần lớn số sản lượng dầu bị mất.
Kết quả thăm dò của Platts cho biết sản lượng tại Ả Rập Saudi tăng vọt lên 10,67 triệu thùng/ngày trong tháng 10, mức cao nhất trong 30 năm. Cuộc thăm dò cũng cho thấy sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giảm 30.000 thùng/ngày xuống 33,04 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, sản lượng dầu thô tại Nga tăng lên mức kỷ lục sau thời Xô Viết lên mức 11,4 triệu thùng/ngày trong tháng 10, theo hãng Bloomberg.
Tuy vậy, một số nhà quan sát thị trường kỳ vọng rằng OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt, trong đó có Nga, sẽ tiến hành các biện pháp thắt chặt nguồn cung thông qua việc từng bước cắt giảm sản lượng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần