Giá “vàng đen” đi xuống trong phiên này do chịu áp lực từ dữ liệu mới nhất cho thấy mức dự trữ dầu thô của Mỹ giảm ít hơn dự báo và nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, giá dầu Brent hạ 49 xu Mỹ, tương đương 0,77% xuống còn 63,33 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này chốt phiên trước đó đã tăng 2,3%.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI cũng sụt 47 xu Mỹ, khoảng 0,82% xuống mức 56,87 USD/thùng sau khi đã leo dốc khoảng 1,9% trong phiên 3/7.
Trước đó, hôm 2/7, Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là OPEC+, đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu tới tháng 3/2020 nhằm hỗ trợ giá dầu. Các nhà phân tích từ Citi Research nhận định: “Thỏa thuận kéo dài việc cắt giảm nguồn cung dầu thô của OPEC+ thêm 9 tháng sẽ giúp giảm lượng dầu tồn kho trong nửa cuối năm nay và đẩy giá dầu lên.
Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là nền kinh tế lớn nhất thế giới, có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, khiến các nhà đầu tư lo lắng, sau khi các chỉ số sản xuất toàn cầu gây thất vọng và Mỹ lại “đe dọa” EU bằng thuế quan.
Công ty Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu hàng tuần của nước này chỉ giảm 1,1 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với mức 3 triệu thùng được các nhà phân tích dự báo trước đó và 5 triệu thùng được API đưa ra trước đó 1 ngày”, tổ chức Cant Cantor Fitzgerald Europe cho biết.
Số liệu mới nhất cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng vào tháng 5 vừa qua, khi lượng ôtô nhập khẩu đạt mức cao kỷ lục. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của nước này đã tăng 8,4% lên 55,5 tỷ USD. Sự gia tăng thâm hụt thương mại trong tháng 5, cùng với số liệu thâm hụt của tháng 4 vốn đã được điều chỉnh tăng lên so với số liệu ban đầu, có thể ảnh hưởng đến dự báo tăng trưởng quý II của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dữ liệu kinh tế Mỹ kém khả quan cùng với báo cáo về tăng trưởng kinh doanh chững lại tại châu Âu trong tháng trước đang tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu đối với mặt hàng dầu mỏ.
Theo nhà quản lý thị trường Stephen Innes của Vanguard, thị trường dầu mỏ không thể tránh khỏi những tác động từ dữ liệu tồn kho dầu mỏ của Mỹ trong ngắn hạn cũng như lo ngại kinh tế thế giới đang có dấu hiệu rơi vào suy thoái.
Trong một báo cáo, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes thuộc General Electric Co cho biết trong tuần tính đến ngày 3/7, tổng số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 5 giàn khoan xuống còn 788.
Barclays dự đoán nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2011 với mức tăng chưa tới 1 triệu thùng/ngày trong năm nay. Trong khi đó, Morgan Stanley hạ dự báo giá Brent trong dài hạn từ 65 USD/thùng xuống 60 USD/thùng, đồng thời dự báo thị trường dầu sẽ cân bằng trong năm 2019./.