Giá dầu thế giới sụp đổ kéo Dow Jones lao dốc hơn 600 điểm

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu thế giới rơi tự do đẩy chứng khoán Mỹ giảm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp trong ngày 21/4, trong đó chỉ sốDow Jones sụt hơn 600 điểm.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch này khi sự sụp đổ lịch sử của giá “vàng đen” làm suy yếu tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư cổ phiếu.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch ngày 21/4.
Chốt phiên giao dịch ngày 21/4, Dow Jones sụt 630 điểm (tương đương 2,7%) xuống 23,018 điểm, qua đó góp phần nâng tổng mức giảm trong 2 phiên liên tiếp lên hơn 1.200 điểm. Chỉ số này sụt giảm chủ yếu bởi cổ phiếu Merck & Co, cổ phiếu Boeing lần lượt mất 5,5% và 5%.
Chỉ số S&P 500 cũng giảm mạnh, sụt hơn 2,7%, xuống còn 2.736,56 điểm. Cả Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận mức thấp nhất kể từ ngày 7/4, theo dữ liệu từ FactSet.
Chỉ số Nasdaq Composite cũng hạ 3,5% xuống 8.263,23 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 13/4 và chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 1/4.
Đợt bán tháo trên sàn Phố Wall trong tuần này diễn ra bên cạnh đà giảm sâu trên thị trường dầu mỏ do nhu cầu đối với nhiên liệu suy yếu do chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Giá dầu thế giới tiếp tục chứng kiến phiên lao dốc mạnh với giá dầu thô Brent xuống mức thấp nhất hơn 18 năm trong phiên giao dịch ngày 21/4.
Trong phiên giao dịch 20/4, ngày chốt hợp đồng của giá dầu thô WTI giao tháng 5, giá mặt hàng dầu này đã lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức âm khi sức cầu sụt kỷ lục do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, còn các kho chứa cũng hết chỗ.
Tiếp nối phiên đầu tuần, thị trường dầu mỏ tiếp tục có phiên hỗn loạn trong ngày 21/4 khi giá dầu thô Brent lao dốc hơn 24%, chạm đáy hơn 18 năm, còn giá dầu thô WTI giao tháng 6 cũng mất tới hơn 34% xuống dưới ngưỡng 12 USD/thùng.
Chuyên gia phân tích Tom Lee tại Fundstrat Global Adivsors nhận xét: “Đà rơi tự do của giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc hoạt động kinh tế toàn cầu bị gián đoạn. Diễn biến tồi tệ trên thị trường năng lượng chỉ có thể chấm dứt nếu các nước phương Tây và Mỹ bắt đầu khởi động lại nền kinh tế và kiểm soát được dịch bệnh”.
Nhà đầu tư cũng tiếp nhận một loạt báo cáo lợi nhuận của các công ty  cho thấy sự suy thoái kinh tế vì dịch bệnh Covid-19 trong phiên ngày 21/4.
Cổ phiếu IBM mất 3% sau khi báo cáo doanh thu sụt giảm. Cổ phiếu Coca-Cola cũng hạ 2,5% sau khi cho biết thiệt hại nặng do tác động của Covid-19, khi nhu cầu của người tiêu dùng đối với nước giải khát giảm mạnh trong quý này.
Sự sụp đổ của giá dầu thô, cùng với kết quả kinh doanh ảm dạm của các doanh nghiệp vừa công bố khiến nỗi lo đại suy thoái kinh tế đang đến gần hơn với nhà đầu tư.
Giới phân tích cho rằng sự chú ý của thị trường Phố Wall sẽ tập trung vào những ngày tới khi các số liệu tài chính dần được công bố. Đây sẽ là những dấu hiệu cho thấy đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tập đoàn của Mỹ như thế nào./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần