Giá dầu thế giới tăng hơn 3% trong tuần leo dốc thứ 2 liên tiếp

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ giá dầu chạm đỉnh kể từ ngày 7/2 trong phiên cuối tuần, thị trường năng lượng ghi nhận tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp với giá dầu WTI cộng 3% và dầu Brent vọt 3,7%.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thế giới đã khởi sắc và chạm mức cao nhất trong khoảng 2 tuần. Tình hình căng thẳng chính trị ở Trung Đông đã đẩy giá dầu đi lên trong bối cảnh một trong những vụ bạo lực nghiêm trọng nhất xảy ra tại khu vực biên giới giữa Israel và Palestine kể từ năm 2014.
Thị trường dầu thế giới được hỗ trợ bởi việc mỏ dầu El Feel tại Libya tạm ngừng hoạt động,làm nguồn cung tại nước này bị thu hẹp.
Tuy nhiên, đà leo dốc của giá dầu thế giới trong phiên giao dịch ngày 20/2 đã bị hạn chế bởi báo cáo tuần của Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy số lượng giàn khoan của Mỹ đã tăng 7 giàn, lên 798 giàn trong tuần trước đó, cao nhất kể từ tháng 4/2015. Ngoài ra, đồng USD tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác trong phiên thứ Tư cũng góp phần kéo giá dầu WTI giảm.
Giá dầu thô biến động trái chiều phiên 21/2, với giá dầu Mỹ giảm nhẹ trước thềm báo cáo hàng tuần về tình hình tồn kho. Đến tối 21/2, Viện Dầu mỏ Mỹ (EIA) công bố báo cáo cho thấy tồn kho dầu thô của nước này giảm 900.000 thùng trong tuần trước. Số liệu trong tuần trước của EIA cho thấy tồn kho dầu thô Mỹ tăng 1,8 triệu thùng trong tuần kết thúc 9/2.
Sang phiên giao dịch ngày 22/2, giá dầu thế giới giảm, do đồng USD mạnh lên đã làm lu mờ tác động tích cực của báo cáo cho thấy lượng dầu thô dự trữ hàng tuần của Mỹ giảm xuống.
Trong phiên giao dịch này, tỷ giá đồng USD tăng lên mức cao nhất trong một tuần qua so với rổ các đồng tiền chủ chốt, sau khi biên bản cuộc họp chính sách ngày 30-31/1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy các nhà hoạch định chính sách tỏ ra chắc chắn hơn về sự cần thiết của việc tiếp tục tăng lãi suất. 
Được biết, đồng USD tăng mạnh có thể gây sức ép đến các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh, như dầu, khiến hàng hóa này trở nên đắt đỏ hơn đối với người sử dụng những đồng tiền khác.
Tuy nhiên, giá dầu ngọt nhẹ WTI và dầu Brent bật tăng trong phiên cuối tuần (ngày 23/2). Tình trạng gián đoạn nguồn cung tại Libya và những nhận định lạc quan của Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi là yếu tố chính đẩy giá dầu đi lên trong phiên này.
Thị trường dầu thế giới được hỗ trợ bởi việc mỏ dầu El Feel tại Libya với  sản lượng 70.000 thùng dầu/ngày tạm ngừng hoạt động, làm nguồn cung của nước này bị thu hẹp. Sản lượng dầu mỏ của Libya đã đạt khoảng 1 triệu thùng/ngày, song bất ổn chính trị khiến nguồn cung dầu không ổn định.
Dầu vọt hơn 3% trong tuần leo dốc thứ 2 liên tiếp.
John Kilduff, đối tác của Công ty quản lý đầu tư Again Capital có trụ sở tại New York, nhận định rằng thị trường liên tục được hưởng lợi từ các sự cố gián đoạn về nguồn cung dầu trong những tháng qua. Trước khi mỏ El Feel của Libya tạm ngừng hoạt động còn có sự cố gián đoạn hoạt động của đường ống dẫn dầu Keystone từ Canada và tuyến đường ống dẫn dầu từ Biển Bắc của nước Anh. 
Ngoài ra, nhận định mới đây của Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih cũng góp phần hỗ trợ thị trường năng lượng. Bộ trrưởng Al-Falih dự đoán các kho dự trữ dầu trên toàn cầu sẽ tiếp tục giảm, đồng thời khẳng định nỗ lực thắt chặt nguồn cung của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn đang phát huy tác dụng. 
Kết thúc phiên ngày 23/2, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2018 trên sàn Nymex (Mỹ) tăng 78 xu Mỹ (tương đương 1,2%) lên 63,55 USD/thùng, qua đó nâng tổng mức tăng trong tuần lên 3%. Tuy nhiên, giá mặt hàng này này vẫn giảm 1,8% kể từ đầu tháng 2 đến nay.
Trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tại thị trường London (Anh) cộng 92 xu Mỹ (tương đương 1,4%) lên 67,31 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu này đã vọt khoảng 3,7%, mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2017.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần