Giá dầu thế giới tiếp tục tăng, duy trì mức cao nhất 4 năm qua

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu vẫn duy trì mức cao nhất 4 năm trong ngày 28/9 nhờ được hỗ trợ từ dự báo sự gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Giá dầu tiếp tục leo dốc trong ngày 28/9.
Giá dầu Brent tăng 18 xu Mỹ, tương đương 0,22%, lên mức 81,56 USD/thùng, bám sát mức cao nhất trong 4 năm lên tới 82,55 USD/thùng trong phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ nhích 21 xu Mỹ, tương đương 0,29%, lên mức 72,33 USD / thùng, theo đà tăng hàng tuần.
Giá dầu nhảy vọt trong thời gian qua một phần nhờ quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Donald Trump và các biện pháp trừng phạt Tehran nhằm làm sụt giảm kim ngạch xuất khẩu dầu của nước này. Tuần trước, qua Twitter, ông Trump nói rằng các nhà sản xuất dầu cần phải hành động để “hạ giá dầu xuống ngay bây giờ”.
Trong cuộc họp cuối tuần trước tại Algiers, các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC đã tuyên bố không có kế hoạch chính thức về việc gia tăng sản lượng để bù đắp 2 triệu thùng dầu/ngày có khả năng bị mất do lệnh cấm vận của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran.
Tuy nhiên, Ả Rập Saudi, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới và là thành viên chủ chốt của OPEC, đang dẫn đầu thúc đẩy gia tăng lượng dầu bổ sung vào thị trường toàn cầu trong vài tháng tới để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung tại Iran khi các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực từ đầu tháng 11, một báo cáo từ Reuters cho biết.
Cũng theo Reuters, Ả Rập Saudi và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác gần đây đã thảo luận về việc gia tăng sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày đối với các thành viên trong và ngoài OPEC.
Dẫu vậy, ngày 28/9 Ngân hàng ANZ lưu ý rằng các nhà cung cấp dầu lớn không có khả năng bù đắp sản lượng thiếu hụt của Iran ước tính vào khoảng 1,5 triệu thùng/ngày do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo báo cáo, tại thời điểm cao điểm trong tháng 5/208, Iran đã xuất khẩu 2,71 triệu thùng/ngày, chiếm gần 3% lượng tiêu thụ dầu thô toàn cầu hàng ngày. Quốc gia Trung Đông này là nhà sản xuất lớn thứ 3 của OPEC.