Giá dầu tiếp tục đi lên do gia tăng bất ổn chính trị tại Trung Đông

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2020 khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang.

Giá dầu trong phiên giao dịch ngày 2/1 tiếp tục leo dốc nhờ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hạ nhiệt làm giảm bớt lo ngại về triển vọng đối với nhu cầu dầu mỏ. Các nhà giao dịch trên thị trường năng lượng gia tăng lo ngại về nguồn cung có thể bị gián đoạn khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang trong những ngày gần đây.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 21 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 66,21 USD/thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI nhích 21 xu Mỹ, tương đương 0,3%, đạt mức 61,27 USD/thùng.
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên 2/1.
Căng thẳng ở Trung Đông leo thang sau khi Mỹ tiến hành các cuộc không kích hôm 29/12 chống lại nhóm dân quân Kataib Hezbollah ở Syria, trong khi Iraq phải tạm đóng cửa mỏ dầu phía Nam Nassiriya do biểu tình.
Giá cả 2 mặt hàng dầu Brent và ngọt nhẹ WTI chốt năm 2019 đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2016, chủ yếu được hỗ trợ từ bước đột phá trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cùng với việc cắt giảm sản xuất dầu mỏ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, dẫn đầu là Nga.
Giá dầu leo dốc mạnh trong tháng 12 sau khi Mỹ và Trung Quốc tuyên bố đạt được đồng thuận và thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”, vốn có thể giúp xoa dịu nỗi lo về triển vọng kinh tế toàn cầu và được cho là khiến chứng khoán và các tài sản rủi ro khác nhảy vọt.
“Thị trường dầu mỏ sẽ chịu tác động từ việc đình chiến thương mại Mỹ - Trung và bất ổn chính trị ở Iraq” - Stephen Innes, chiến lược gia trưởng thị trường châu Á tại AxiTrader cho biết.
Rủi ro địa chính trị tại Trung Đông vẫn tiếp diễn sau các cuộc không kích của Mỹ vào nhóm dân quân Katib Hezbollah do Iran hậu thuẫn cuối tuần qua.
Quân đội Mỹ đã trừ khử 25 thành viên của lực lượng dân quân người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq vào cuối tuần trước. Cuộc tấn công, được thực hiện mà không có sự chấp thuận từ Iraq, đã tạo nên làn sóng giận dữ với người dân nước này. Nhiều người đã lẻn vào và bao vây bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Iraq nhằm phản đối hành động này của Mỹ.
Đại sứ Mỹ và các nhân viên cấp cao sau đó đã được chuyển đến nơi an toàn. Lầu Năm Góc cũng đã nhanh chóng điều 750 binh sĩ tới Iraq để tăng cường an ninh trong và xung quanh khu vực Đại sứ quán Mỹ.
Vào sáng 1/1, nhiều người biểu tình đã cắm trại qua đêm bên ngoài cổng tòa Đại sứ và ném đá vào tòa nhà. Bảo vệ của Đại sứ quán Mỹ đã bắn hơi cay để đáp trả, làm bị thương nhiều người.
Một cuộc thăm dò ý kiến ​​của Reuters cho thấy, trong năm 2020, giá dầu Brent được dự báo sẽ duy trì ở mức 63,07 USD/thùng, tăng so với ước tính khoảng 62,50 USD hồi tháng 12. Trong khi đó, giá dầu WTI được dự đoán sẽ ở mức 57,70 USD/thùng, cao hơn mức dự báo 57,30 USD, nhờ việc cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh cùng với việc đạt thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Tổng thống Donald Trump hôm 31/12 cho biết ông sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc tại Nhà Trắng vào ngày 15/1/2020.
Tháng 1 cũng đánh dấu sự khởi đầu của việc cắt giảm sản lượng sâu hơn của OPEC và các đối tác, bao gồm cả Nga. OPEC và các đồng minh đã đồng ý cắt giảm thêm 500.000 thùng/ngày từ ngày 1/1 cùng với mức cắt giảm 1,2 triệu thùng theo thỏa thuận đã được thực hiện từ đầu năm 2019.
Bên cạnh đó, sự sụt giảm lượng tồn kho dầu của Mỹ cũng hỗ trợ giá dầu trong phiên giao dịch này. Theo số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố hôm 31/12, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 7,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 27/12.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần