Giá dầu tiếp tục lao dốc do ông Trump gây sức ép để OPEC tăng sản lượng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu đi xuống trong phiên 29/4 sau khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu OPEC tăng sản lượng để giảm bớt tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran.

Cụ thể, giá dầu Brent tương lai giảm 35 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống mức 71,80 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 62,91 USD/thùng, sụt 39 xu Mỹ, tương đương 0,6% so với phiên trước đó. Cả 2 mặt hàng dầu này đã lao dốc hơn 3% trong phiên cuối tuần trước.
Ngân hàng ANZ cho biết, giá dầu đã bị ảnh hưởng sau khi Tổng thống Trump gây tác động với Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác trong OPEC nhằm bơm thêm dầu ra thị trường để bù đắp cho phần sụt giảm xuất khẩu dầu từ Iran do lệnh trừng phạt của Mỹ.
 Giá dầu tiếp tục giảm nhẹ trong phiên 29/4.
Ngân hàng ANZ hôm 29/4 phân tích giá dầu đã bị ảnh hưởng sau khi Tổng thống Mỹ Dolald Trump gây sức ép với Ả Rập Saudi và các nhà sản xuất dầu khác thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhằm bơm thêm dầu ra thị trường để bù đắp sản lượng xuất khẩu dầu thô từ Iran sụt giảm do chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ngày 22/4, Mỹ đã quyết định chấm dứt quy chế miễn trừ đối với 8 khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran, trong đó hầu hết là các nước châu Á. Theo đó, các khách hàng này phải ngừng hoạt động nhập khẩu dầu thô từ Iran từ ngày 1/5, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.  
Tổng thống Trump hôm 26/4 cho biết ông đã kêu gọi OPEC tăng sản lượng để kéo giảm giá dầu. “Giá xăng dầu đang giảm. Tôi đã yêu cầu OPEC phải đưa giá dầu giảm xuống”, ông Trump nói với các phóng viên.
Lời kêu gọi của ông Trump đã kích hoạt một đợt bán tháo trên thị trường dầu mỏ sau khi giá “vàng đen” đã tăng tới 40% kể từ đầu năm đến nay. Giá dầu đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 6 tháng ở phiên giao dịch ngày 23/4 sau khi chính quyền ông Trump thắt chặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran bằng quyết định chấm dứt quy chế miễn trừ lệnh trừng phạt đối với những khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran.
Chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực năng lượng James Williams tại WTRG Economics nhận đinh: “Thị trường đang phản ứng thái quá trước những phát biểu được đăng tải trên mạng xã hội của Tổng thống Trump, bởi ông Trump có thể gia hạn quy chế miễn trừ trừng phạt và cũng có thể bán bớt dầu từ kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ (USPR).
Các thương nhân cho biết, thị trường đang chuyển trọng tâm vào việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện do các nước thành viên OPEC tại khu vực Trung Đông thực hiện kể từ đầu năm nay.
Việc cắt giảm đã được hỗ trợ bởi một số nhà sản xuất ngoài OPEC, đặc biệt là Nga, song các nhà phân tích cho rằng sự hợp tác này có thể không kéo dài sau cuộc họp giữa OPEC và các đồng minh, được gọi là Nhóm OPEC +, dự kiến ​​diễn ra vào tháng 6 tới.
Nga tuyên bố nước này sẽ đáp ứng nhu cầu dầu thô của Trung Quốc nếu Bắc Kinh muốn lựa chọn thay thế cho nguồn dầu nhập khẩu từ Iran.
Nhà phân tích cao cấp Edward Moya tại OANDA cho rằng, dường như Nga sẽ đưa ra lý do hợp lý để tăng nguồn cung sản xuất dầu mỏ và Nhóm OPEC+ có khả năng không đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng”.
Trong khi đó, Nga hy vọng sẽ khôi phục nguồn cung cấp đường ống dẫn dầu đến trung và tây Âu trong hai tuần tới, sau khi đường ống này bị đình chỉ vào tuần trước do chất lượng dầu thô không đảm bảo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần