Giá dầu tiếp tục sụt nhẹ do lo ngại kinh tế toàn cầu giảm tốc

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu mỏ giảm nhẹ trong phiên 10/12 khi thị trường bị ám ảnh bởi căng thẳng thương mại tác động tiêu cực lên nhu cầu năng lượng.

Thị trường dầu thế giới giảm phiên thứ 2 liên tiếp trong ngày 10/12 khi lo ngại về triển vọng nhu cầu toàn cầu tăng chậm đã lấn át sự hỗ trợ từ việc cắt giảm sản lượng sâu hơn của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh từ đầu năm 2020.
Thị trường dầu thế giới giảm phiên thứ 2 liên tiếp trong ngày 10/12.
Cụ thể, giá dầu Brent tương lai giảm 11 xu Mỹ, tương đương 0,2%, xuống còn 64,14 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng hạ 7 xu Mỹ, tương đương 0,1% xuống 58,95 USD/ thùng.
Giá “vàng đen” đi xuống khi chốt phiên trước đó với dầu WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex lùi 18 xu Mỹ (tương đương 0,3%) xuống 59,02 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 2 trên sàn London sụt 14 xu Mỹ (tương đương 0,2%) còn 64,25 USD/thùng.
“Quyết định cắt giảm nguồn cung sản xuất nhiều hơn của OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt chỉ giúp giá dầu phục hồi trong ngắn hạn, số liệu xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ sụt giảm là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột thương mại với Mỹ” - Ngân hàng ANZ cho biết trong một lưu ý hôm 10/12.
Dữ liệu công bố hôm 8/12 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 đã giảm 1,1% so với một năm trước đó, trái với dự báo tăng 1% trong cuộc thăm dò ý kiến ​​của Reuters.
Số liệu kém khả quan làm tăng lo ngại về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và khả năng ảnh hưởng đến sự tiêu thụ dầu.
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã bị tổn hại bởi thuế quan của Mỹ, khi cả Bắc Kinh và Washington đang cố gắng giải quyết bất đồng thương mại kéo dài trước thời hạn 15/12 mà Mỹ sẽ nâng thuế bổ sung lên 15% đối với 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
“Tổng thống Mỹ Donald Trump không muốn thực hiện vòng thuế quan tiếp theo đối với Trung Quốc”- Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue cho biết hôm 9/12.
OPEC cùng với các đồng minh, dẫn đầu là Nga (còn được gọi là nhóm OPEC+) hôm 6/12 đã đồng ý chính thức cắt giảm sản lượng thêm 500,000 thùng/ngày trên mức thỏa thuận cắt giảm hiện tại, bắt đầu vào tháng 1/2020. Việc cắt giảm thêm sẽ đưa tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ lên 1,7 triệu thùng/ngày, bao gồm mức cắt giảm hiện tại là 1,2 triệu thùng/ngày từ mức sản lượng tháng 10/2018.
Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù bị lu mờ trong thời điểm hiện tại, việc OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng sâu hơn từ năm tới một yếu tố hỗ trợ trung hạn.
Chuyên gia thị trường Stephen Innes tại AxiTrader nhận định: “Mặc dù vẫn còn rủi ro vào cuối năm từ kết quả các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, quyết định của OPEC+ đã loại bỏ một sự bất ổn cơ bản về nguồn cung trên thị trường”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần