Giá dầu vẫn giảm mạnh do Tổng thống Mỹ gây áp lực với OPEC

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong ngày 14/11, giá dầu nối dài đà lao dốc 7% trong phiên trước đó sau khi Tổng thống Mỹ kêu gọi OPEC không cắt giảm sản lượng.

Giá “vàng đen” tiếp tục đà giảm giá mạnh khi giới đầu tư đẩy mạnh bán tháo vì nỗi lo nguồn cung dầu dư thừa và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu không khả quan. Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI được giao dịch ở mức 55,26 USD/thùng, giảm 43 xu Mỹ, tương đương 0,8% so với phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu Brent  mất 36 xu Mỹ, khoảng 0,6%, xuống còn 65,11 USD/thùng.
Giá dầu tiếp tục giảm sâu trong ngày 14/11.
Giá dầu cũng chịu áp lực đi xuống sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo Ả Rập Saudi về kế hoạch cắt giảm sản lượng có thể khiến các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) "ngại" động thái tương tự. Trước đó, những tuyên bố của ông Trump về OPEC đã có ảnh hưởng đáng kể tới hành động của khối này.
Hồi tháng 6, Ả Rập Saudi đã thuyết phục các thành viên thuộc OPEC và các đồng minh chấm dứt chương trình hạn chế sản lượng khai thác đã kéo dài 18 tháng, theo đó khai thác thêm dầu để bù đắp cho phần hao hụt sản lượng dầu của Venezuela và Iran. Lãnh đạo OPEC thừa nhận rằng những dòng trạng thái (tweet) của ông Trump trên mạng xã hội Twitter là một lý do khiến nhóm có sự điều chỉnh sản lượng.
Giá dầu thô đã mất hơn 25% kể từ đầu tháng 10, ghi nhận đợt giảm giá lớn nhất kể từ năm 2014.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), số lượng ròng trạng thái đầu cơ giá lên của dầu WTI và dầu Brent đã giảm xuống mức thấp nhất 14 tháng vào ngày 6/11, do số hợp đồng đầu cơ giá lên sụt nhanh và số hợp đồng đầu cơ giá xuống tăng mạnh.
Nhà phân tích Wang Tao dự báo giá cả hai mặt hàng dầu này sẽ tiếp tục giảm, với dầu Brent sẽ dao động từ 62,18 đến 63,95 USD/thùng và giá dầu WTI ở mức 53,26 đến 54,13 USD/thùng.
Theo các chuyên gia, nguồn cung gia tăng và mối lo ngại về kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại là 2 yếu tố chính đang gây sức ép lên thị trường dầu mỏ.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 13/11 cho biết sản lượng dầu từ 7 bồn khai thác dầu khí đá phiến lớn tại nước này dự kiến sẽ tăng lên mức cao kỷ lục 7,94 triệu thùng/ngày. Hầu hết các nhà kinh tế dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ vượt mốc 12 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2019. 
Dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ vượt mốc 12 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2019. 
Trong cuộc họp giữa OPEC và các nước đối tác gồm Nga vào cuối tuần qua, khối này không đưa ra sự thay đổi chính sách chính thức nào. Tuy vậy, các quan chức OPEC cảnh báo rằng họ có thể cần tới "chiến lược mới".
Tuy nhiên, Ả Rập Saudi cho biết sẽ giảm xuất khẩu khoảng 500.000 thùng/ ngày từ tháng 12. Ngoài ra, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid Al-Falih đề xuất  các thành viên OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác cần cắt giảm khai thác khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày để tránh tình trạng dư cung quay trở lại.
Jon Andersson - Trưởng nhóm nghiên cứu đầu tư hàng hóa tại Vontobel Asset Management cho biết: "OPEC và Nga đang chịu áp lực điều chỉnh thỏa thuận sản lượng khai thác dầu mỏ hiện tại, dự kiến họ ​​sẽ đưa ra quyết định mới tại cuộc họp của các thành viên trong và ngoài OPEC vào ngày 6/12”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần