Giá dầu trượt dốc tuần thứ 3 liên tiếp do sức ép từ nỗi lo dư cung

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, dầu ngọt nhẹ WTI lùi 0,6%, dầu Brent sụt 3%. Cả 2 hợp đồng đều ghi nhận tuần sụt giảm thứ 3 liên tiếp.

Mặc dù giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên 28/12 nhưng vẫn chứng kiến  tuần giảm thứ 3 liên tục dưới sức ép từ nỗi lo về tình trạng dư thừa nguồn cung dầu trên toàn cầu.
Giá “vàng đen” chạm đáy hơn 1 năm khi chốt phiên 24/12 trong bối cảnh lo ngại đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu có thể khiến nhu cầu suy yếu. Trong phiên giao dịch này, giá dầu mỏ tiếp tục trượt dốc do chịu tác động từ lo ngại sản lượng dầu thô toàn cầu.
Các thị trường toàn cầu ngừng hoạt động trong ngày 25/12 nhân dịp nghỉ lễ Giáng sinh.
Sang phiên 26/12, giá dầu mỏ quay đầu đi lên khi nhà đầu tư hy vọng vào nỗ lực cân bằng nguồn cung - cầu của các nước Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Giá dầu thế giới phục hồi lên mức 51 USD/thùng trong phiên giao dịch này sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2017 do nỗi lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại lấn át nỗ lực nhằm thắt chặt nguồn cung của OPEC và đồng minh.
 Giá dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp.
Tuy nhiên, giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm mạnh trong ngày 27/12, đảo chiều sau ghi ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm, qua đó làm bật lên sự biến động của các tài sản có rủi ro. Cả 2 hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đều đã giảm 4 phiên trong 5 phiên vừa qua, và là phiên giảm thứ 7 trong 9 phiên.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng mạnh trong phiên 28/12, sau khi dữ liệu từ Chính phủ cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm thấp hơn dự báo.
Chốt phiên, giá dầu Brent tăng 0,04 USD/thùng, đạt 52,2 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI tăng 0,72 USD/thùng, chốt ở 45,33 USD/thùng. Tính chung trong tuần, giá dầu Brent sụt 3%, còn giá dầu WTI giảm gần 0,6%.
Trong những tuần gần đây, giá dầu mỏ theo sát diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ. Sự hồi phục của chứng khoán Mỹ trong tuần này đã hỗ trợ đáng kể cho giá dầu. Tuy nhiên, giá "vàng đen" vẫn đương đầu áp lực giảm lớn từ nỗi lo cung vượt cầu.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI hướng tới đà lao dốc 12,4% trong tháng qua, đánh dấu tháng 12 tồi tệ nhất kể từ năm 2014, vốn đã giảm 19,5%, theo dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Dầu Brent đã mất 11,2% từ đầu tháng đến nay, cũng sẽ ghi nhận tháng 12 giảm mạnh nhất kể từ năm 2015.
Dữ liệu do Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố ngày 28/12 cho thấy tồn kho dầu thô của nước này giảm 46.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 21/12, thấp hơn nhiều so với mức dự báo giảm 2,9 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Giá dầu đã sụt mạnh trong phiên trước đó sau khi Viện Dầu lửa Hoa Kỳ (API) nói rằng lượng dầu thô tồn kho của Mỹ tăng 6,92 triệu thùng trong tuần trước. Mặc dù vậy, dữ liệu này của API đã không được EIA xác nhận.
Ông Jim Ritterbusch - Chủ tịch Ritterbusch and Associates, viết trong một báo cáo: “Mức giảm tồn kho dầu tho của Mỹ mà EIA đưa ra "không đủ để kích thích lực mua tăng mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng dữ liệu này có tác dụng hỗ trợ đẩy giá dầu đi lên".
Nga sẽ giảm sản lượng tổng cộng 3-5 triệu tấn dầu trong nửa đầu năm 2019.
Năm nay, Mỹ đã trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, với sản lượng đạt 11,6 triệu/ngày, vượt qua tốc độ khai thác dầu của Ả Rập Saudi  và Nga. Ngoài ra, sản lượng dầu của cả ba quốc gia này đều đang ở ngưỡng kỷ lục.
Từ ngày 1/1/2019, OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, sẽ thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 1% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Ngày 27/12, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak nói rằng nước này sẽ giảm sản lượng tổng cộng 3-5 triệu tấn dầu trong nửa đầu năm 2019 theo thỏa thuận trên.
Bộ trưởng Novak cũng nói việc Mỹ cho phép 8 nền kinh tế tiếp tục mua dầu Iran sau khi Washington tái áp các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu mỏ của Tehran là một trong những lý do chính dẫn tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga.
Tuy vậy, số liệu chính thức và dữ liệu theo dõi ngành vận tải biển cho thấy nhập khẩu dầu từ Iran của một số khách hàng lớn tại khu vực châu Á trong tháng 11 vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất 5 năm do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần