Giá dầu vẫn tăng 1% trong tuần bất chấp lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” đã đạt được đà tăng trong tuần qua với dầu WTI công 0,5% và dầu Brent nhích 1%.

Thị trường dầu mỏ diễn biến thất thường trong tuần qua do chịu áp lực từ nhận định tăng  trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc mặc dù nhà đầu tư vẫn kỳ vọng về tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). 
Giá dầu tăng nhẹ trong tuần qua.
Trong phiên giao dịch ngày 4/3, giá dầu đi lên nhờ hưởng lợi từ những dự đoán rằng các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiến triển hơn nữa sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”.
Giá “vàng đen” cũng được hỗ trợ khi OPEC cùng với các đồng minh tiếp tục cắt giảm sản lượng, nhưng giá dầu đã khép phiên dưới mức đỉnh do nhà đầu tư có cách tiếp cận thận trọng hơn đối với các tài sản rủi ro.
Sang phiên 5/3, giá dầu ngọt nhẹ WTI quay đầu giảm nhẹ sau khi dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu năng lượng, cũng như thông tin rằng Libya lên kế hoạch gia tăng sản lượng dầu thô sau khi mở lại mỏ dầu lớn nhất nước này. Tuy nhiên, mặt hàng dầu Brent lại tăng nhẹ, do nhận được hỗ trợ từ việc tiếp tục cắt giảm từ các nước trong và ngoài OPEC.
“Dầu biến động cả phiên, đang cân nhắc sự quay lại của ngành dầu mỏ ở Libya so với cam kết tiếp tục cắt giảm sản lượng của OPEC” , Phil Flynn - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, nhận định.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI tiếp tục suy yếu trong ngày 6/3 sau khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho biết dự trữ dầu thô nội địa tăng mạnh, nhưng giá dầu Brent lại tăng nhờ động thái cắt giảm sản lượng liên tục của OPEC. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu dự trữ của Mỹ đã tăng 7,1 triệu thùng trong tuần trước (kết thúc ngày 1/3), vượt xa dự đoán tăng 1,2 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Trong phiên ngày 7/3, giá dầu tăng nhẹ chủ yếu nhờ dữ liệu cho thấy sản lượng của OPEC trong tháng 2/2019 giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm. OPEC cùng với các đồng minh đã thực hiện cắt giảm sản lượng vào đầu năm nay. Ủy ban Giám sát Bộ trưởng chung, với chức năng theo dõi việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm, dự kiến nhóm họp tại Azerbaijan vào ngày 18/3 tới.
Giá dầu quay đầu suy giảm vào ngày 8/3 do chịu sức ép từ báo cáo việc làm ảm đạm của Mỹ, dữ liệu xấu về xuất nhập khẩu của Trung Quốc và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực.
Theo Bộ Lao động Mỹ, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ chỉ tạo được 20.000 việc làm mới trong tháng 2, so với mức dự báo tăng 180.000 công việc mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, xuất khẩu tháng 2 của nước này giảm gần 21%, trong khi nhập khẩu giảm khoảng 5%. Những con số này làm gia tăng mối lo về sự giảm tốc sâu hơn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
ECB hôm 7/3 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm 2019 về 1,1% từ mức dự báo tăng 1,7% đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. Chủ tịch ECB Mario Draghi nói nền kinh tế châu Âu đang ở trong "một thời kỳ suy yếu và bấp bênh kéo dài".
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng khoảng 0,5%, còn giá dầu Brent leo dốc gần 1%.
Tuy nhiên, giá dầu đã xóa bớt hầu hết đà sụt giảm ban đầu để đạt được đà tăng tuần qua khi số giàn khoan dầu tại Mỹ giảm 3 tuần liên tiếp, qua đó cho thấy khả năng suy giảm trong hoạt động sản xuất nội địa. Theo báo cáo của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ trong tuần qua đã giảm 9 giàn, xuống 834 giàn.
Ngoài ra, quyết tâm tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày của OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, nhằm siết chặt nguồn cung và vực dậy giá dầu đã phần nào nâng đỡ thị trường năng lượng trong tuần qua.
Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela cũng có tác động đến giá “vàng đen”. Hiện Washington đang gây sức ép buộc các chính phủ khác giảm lượng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran xuống mức bằng 0. 
Chốt phiên giao dịch, giá dầu WTI giảm 0,59 USD/thùng, tương đương giảm hơn 1%, còn 56,07 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng sụt 0,56 USD/thùng, tương đương giảm hơn 0,8%, còn 65,74 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng khoảng 0,5%, còn giá dầu Brent leo dốc gần 1%. Tính từ đầu năm, giá dầu thế giới đã tăng khoảng 20%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần