Giá dầu vọt lên mức cao nhất 3 tháng, leo dốc hơn 1% trong tuần

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” ghi nhận mức cao nhất kể từ giữa tháng 9/2019, và tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 1,3% và giá dầu WTI tăng 1,5%.

Tuần qua, thị trường dầu thế giới chứng kiến các phiên tăng giảm đan xen, trước số liệu về hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, chương trình cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất, báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ và diễn biến mới về đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Trong phiên ngày 9/12, giá dầu suy yếu sau khi số liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc ghi nhận tháng giảm thứ 4 liên tiếp, gia tăng quan ngại về nhu cầu “vàng đen” trên thế giới, vốn bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
 Tính chung trong tuần, giá dầu Brent tăng 1,3% và giá dầu WTI tăng 1,5%.
Theo số liệu của Cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 11/2019 giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trái với mức dự báo tăng 1% của các chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của Reuters.

Sang phiên giao dịch 10/12, giá dầu quay đầu đi lên khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng sâu hơn nữa của các nhà sản xuất trong năm 2020 hỗ trợ giá mặt hàng này.
Tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, gọi là OPEC+, đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ thêm 500.000 thùng/ngày từ mức cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày hiện nay.
Giá dầu lại sụt gần 1% trong phiên giao dịch 11/12, sau báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong tuần trước dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng 822.000 thùng, trái với kỳ vọng giảm 2,8 triệu thùng trong cuộc thăm dò do Reuters tiến hành trước đó.
Với việc đứng ở mức 447,9 triệu thùng, dự trữ dầu thô của Mỹ tại thời điểm hiện nay cao hơn khoảng 4% so với mức trung bình 5 năm.

Tuy nhiên, giá dầu phục hồi trở lại trong phiên giao dịch 12/12, trước những kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sắp đạt được thỏa thuận để giải quyết tranh chấp thương mại, vốn gây áp lực đối với nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu.
Viết trên trang Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/12 cho biết Washington đang tiến “rất gần” tới một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Tuyên bố này đưa ra giữa những báo cáo cho rằng nước này đang cân nhắc trì hoãn hoặc có thể hủy bỏ đợt áp thuế dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/12.
Đến phiên ngày 13/12, giá dầu tăng mạnh với dầu ngọt nhẹ WTI và dầu Brent ghi nhận mức cao nhất kể từ giữa tháng 9/2019, sau khi Mỹ và Trung Quốc cho biết đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Việc còn thiếu một thỏa thuận thương mại là rào cản chính đối với nhu cầu dầu thô, nhưng giá dầu đã được hỗ trợ vào ngày thứ Năm (12/12) khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài tweet rằng Mỹ “đang rất gần tới một thỏa thuận lớn với Trung Quốc”.
Một số báo cáo sau đó cho biết rằng ông Trump đã phê duyệt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc, có thể ngăn lại đợt thuế quan mới áp lên 160 tỷ USD hàng tiêu dùng Trung Quốc dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/12, và củng cố hy vọng rằng ảnh hưởng tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm dần.
Cũng trong ngảy 13/12, Trung Quốc đã xác nhận rằng họ đã đạt được một thỏa thuận trên văn bản của thỏa thuận giai đoạn 1, theo bản dịch từ CNBC, nhưng thỏa thuận này trước tiên cần phải trải qua các thủ tục pháp lý trước khi được ký kết. Tổng thống Trump hôm 13/12 đã thông báo về thỏa thuận giai đoạn 1 và loại bỏ hàng rào thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc vốn có hiệu lực vào ngày 15/12.
Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex tiến 89 xu Mỹ (tương đương 1,5%) lên 60,07 USD/thùng và vọt 1,5% trong tuần qua.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2 trên sàn London nhích 1,02 USD (tương đương 1,6%) lên 65,22 USD/thùng. Tuần qua, giá mặt hàng dầu này tăng 1,3%.
Cả 2 hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đều đóng cửa tại mức cao nhất kể từ ngày 16/9/2019.
Ngoài vấn đề thương mại, chiến thắng mang tính quyết định cho Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc bầu cử hôm 12/12 có thể loại bỏ một yếu tố đáng lo ngại khác đối với các tài sản được xem là rủi ro như dầu và chứng khoán.
Giá dầu thô đã khởi sắc sau khi các Ngân hàng trung ương báo hiệu sẵn sàng giữ lãi suất thấp và duy trì kích thích kinh tế trong tương lai gần để có thể giúp thúc đẩy kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu thô. Từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent đã tăng 21%.
Bên cạnh đó, động thái cắt giảm sản lượng sâu hơn của OPEC+ tại cuộc họp ở Vienna hồi tuần trước cũng giúp hỗ trợ các hợp đồng năng lượng tương lai, bất chấp những dấu hiệu về sự gia tăng dự trữ dầu.
Trong khi đó, dữ liệu Baker Hughes công bố ngày 13/12 cho thấy số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ có tuần tăng đầu tiên trong 8 tuần, qua đó cho thấy khả năng gia tăng sản lượng, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến giá dầu trong phiên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần