Những tín hiệu tích cực từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã giúp giá dầu thế giới đứng vững trước sức ép giảm giá từ dữ liệu nguồn cung dầu nội địa Mỹ tăng cao.
Giá “vàng đen” khép phiên 22/2) tại mức cao nhất trong hơn 3 tháng, khi chứng khoán Mỹ và các tài sản khác tìm thấy hỗ trợ trong bối cảnh lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ảnh minh họa. |
Giá dầu đã suy yếu trong ngày 21/2 sau khi một báo cáo từ Chính phủ Mỹ cho biết nguồn cung nội địa tăng 5 tuần liên tiếp khi sản lượng tại nước này vọt lên mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, việc thị thường được siết chặt hơn từ nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nước Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đã kìm hãm đà suy yếu của giá dầu trong phiên.
Chốt phiên ngày 22/2, giá dầu ngọt nhẹ WTI tiến 30 xu Mỹ (tương đương 0,5%) lên 57,26 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 3%. Giá mặt hàng dầu này đã chạm mức đỉnh kể từ ngày 12/11/2018, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Trong khi đó, giá dầu Brent cũng leo dốc 5 xu Mỹ (tương đương 0,1%) lên 67,12 USD/thùng, cũng ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 12/11/2018. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 1.3%, đánh dấu tuần tăng thứ 2 liên tiếp.
Cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài hơn 9 giờ trong ngày 21/2. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp với nhà đàm phàn thương mại hàng đầu của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, vào ngày 22/2.
Tuy nhiên, quan điểm khác biệt sâu sắc vẫn còn liên quan đến những vấn đề cơ bản, theo đó, các quan chức Mỹ đang thúc ép Trung Quốc ngừng lại những hành động mà Washington gọi là chuyển giao công nghệ bất hợp pháp và trợ cấp không thích hợp cho các doanh nghiệp nhà nước, tờ Wall Street Journal đưa tin.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 21/2 cho biết, nguồn cung dầu thô nội địa tăng 5 tuần liên tiếp, vọt 3,7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/2/2019, cao hơn một chút so với dự báo tăng 3,5 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
“Trong khi Ả Rập Saudi sẵn sàng cắt giảm sản lượng và xuất khẩu, thì các nhà sản xuất Mỹ tiếp tục bơm vào thị trường dầu đá phiến”, Carsten Menke - chuyên gia phân tích nghiên cứu hàng hóa tại Julius Baer, nhận định.
Theo dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 22/2, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 4 giàn xuống 853 giàn trong tuần này.
OPEC, bao gồm nhà lãnh đạo thực tế Ả Rập Saudi, cùng với 10 đối tác ngoài OPEC, dẫn đầu là Nga, đã cam kết hồi cuối năm ngoái sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm 2019 nhằm nỗ lực tái cân bằng tình trạng dư cung trên thị trường và thúc đẩy giá dầu.
Sản lượng của OPEC cũng suy giảm do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các thành viên của Tổ chức này gồm Iran và Venezuela, cả 2 thành viên đều được miễn trừ khỏi thỏa thuận cắt giảm mới nhất.