Giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3: Chủ động phương án sử dụng tiết kiệm

Minh Ngọc – An Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 20/3, Bộ Công Thương tổ chức họp báo, công bố tăng giá điện thêm 8,36%, sau 3 năm giá điện ổn định.

Giá  điện mới là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), có hiệu lực kể từ 20/3.
Cao nhất 2.927 đồng/kWh
Nói thêm về cơ sở tăng giá điện lần này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, giá điện tăng 8,36% trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát các thông số đầu vào ở tất cả khâu, phân bổ chênh lệch tỷ giá còn treo... tính toán giá điện 2019. "Phương án giá điện đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau, trong đó có kịch bản tăng 8,36%" - ông Tuấn thông tin. Mức điều chỉnh này cũng đã nhận được sự đồng ý về chủ trương của Chính phủ.
 Công nhân điện lực kiểm tra thông số vận hành hệ thống điện tại Bắc An Khánh, Hoài Đức. Ảnh Hoàng Anh. 
Trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh, giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được xây dựng theo cơ cấu biểu giá tại Quyết định 28/2014. Giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được điều chỉnh +- 2% so với tỷ lệ được quy định.
Giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia thành 6 bậc thang với giá cao nhất 2.927 đồng/kWh nếu sử dụng trên 400kWh và thấp nhất 1.678 đồng/kWh. Các mức giá này chưa gồm thuế VAT. Còn giá bán lẻ cho các hộ ngành sản xuất được chia theo giờ (bình thường, thấp điểm và cao điểm) và cấp điện áp dưới 6kV, 22kV và 110kV.
Về tác động tăng giá bán lẻ điện tới các hộ dùng điện, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết, tiền điện trả thêm mỗi tháng của khách hàng sinh hoạt dùng dưới 50kWh là 7.000 đồng/tháng. Dùng từ 50 - 100kWh sẽ phải trả thêm 14.000 đồng; dùng tới 200 kWh trả thêm 31.600 đồng và 400kWh trả thêm 77.200 đồng.
Với đối tượng khách hàng kinh doanh, Cục Điều tiết điện lực tính toán, mỗi hộ sẽ phải trả thêm bình quân 500.000 đồng mỗi tháng khi giá điện tăng. Còn với hơn 1,4 triệu hộ khách hàng sản xuất thì số tiền bình quân phải trả gần 12,4 triệu đồng, tăng thêm xấp xỉ 870.000 đồng một tháng.
Hạn chế tác động rủi ro
Trước đó vào đầu tháng 3, Bộ Công Thương đã thông tin về việc dự kiến sẽ điều chỉnh giá điện vào cuối tháng. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nếu tính đầy đủ các chi phí đầu vào thì lần điều chỉnh này phải ở mức gần 10%, nhưng cân đối yếu tố vĩ mô thì chọn mức tăng 8,36%.
Theo lý giải của Bộ Công Thương, việc tăng giá điện lần này là do yếu tố đầu vào sản xuất điện tăng, rồi chênh lệch đầu tỷ giá… Về tác động tới tăng trưởng, chỉ số giá tiêu dùng, Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê tính toán, với mức tăng giá điện 8,36% thì sẽ làm giảm 0,22% GDP, và chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng 0,29%. Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, giá điện tăng 8,36% thì CPI năm 2019 khoảng 3,3 - 3,9%, vẫn đảm bảo dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội.
“Mặc dù có tác động tới CPI nhưng về lâu dài, ngành điện cần đầu tư để nâng cao hơn nữa năng lực cung ứng điện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn” – đại diện Bộ Công Thương nhận định.
Mặc dù vậy, nhiều người dân và DN sản xuất, kinh doanh, nhất là các hộ, DN sử dụng nhiều điện vẫn lo lắng về việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng tới chi phí sản xuất và sinh hoạt. Trong bối cảnh này, ngành điện khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm, tránh lãnh phí nguồn điện. Đối với các DN, cần tăng cường áp dụng các biện pháp cải tiến công nghệ để giảm sử dụng nguồn điện.
“Việc tính toán phân bổ, duy trì giá thành sản xuất như thế nào khi giá điện tăng là bài toán khó nhưng các DN cần phải thực hiện ngay để giảm chi phí sản xuất” – Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam Đào Phan Long nhìn nhận.
Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cơ quan chức năng cần có biện pháp hạn chế rủi ro tác động của việc tăng giá điện đến đời sống và sản xuất. “Mỗi lần tăng giá xăng dầu, điện đều ảnh hưởng giá cả thị trường” – chuyên gia Ngô Trí Long bày tỏ.

EVN vẫn âm hơn 1.000 tỷ đồng

Tại cuộc họp báo chiều 20/3, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tập đoàn này dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỷ đồng từ việc tăng giá điện 8,36% từ ngày 20/3. Toàn bộ số tiền này sẽ được EVN chi trả cho các đối tác cung cấp khí, than, nhà máy điện bán cho EVN...

Đại diện EVN thông tin thêm, số tiền chi trả cho đối tác bán than cho điện là 7.000 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá khí trong bao tiêu 6.000 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá của nhà máy điện ngoài EVN khoảng 3.825 tỷ đồng. Riêng số tiền 6.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá khí trong bao tiêu sẽ được thu về ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra còn khoản thanh toán bổ sung chi phí mua dầu, chênh lệch mua điện tăng lên... Tổng chi phí thanh toán mà EVN phải trả khoảng 21.000 tỷ đồng. Như vậy ngành điện vẫn bị âm khoảng 1.000 tỷ đồng nếu chi trả hết các đối tác.