[Gia đình] Bố mẹ ơi, đừng ủ con!

Nam Ngư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người mẹ ấy tháo vát, mạnh mẽ và giỏi giang nên con cái đụng đến việc gì trong nhà cũng sợ con làm hư việc. Thế là gần như tất tần tật, người mẹ quán xuyến và bao trọn gói. Em gái đó không biết nấu ăn, làm việc nhà cũng kém, đi xe máy cũng không được...

Nhân một dịp tình cờ, một người bà con giới thiệu cô cháu gái hai mươi mấy tuổi để tôi tìm việc giúp. Mợ ấy dè dặt bảo tôi là em gái kia đang ở quê, vừa tốt nghiệp trung cấp kế toán nhưng chưa đi làm. Im lặng một chút, Mợ e dè: “Nó nhát, nó cũng xấu. Nó không tính lấy chồng”. Nghe thoáng qua đã cho tôi nhiều xót xa, tôi bảo: “Dạ thôi mợ cứ bảo em lên đây gặp con, có gì con hướng dẫn em thêm”.
Phụ nữ luôn được xã hội xếp vào nhóm người yếu thế, làm cho tôi muốn hỗ trợ em ngay lập tức. Ngay chiều hôm sau, mợ qua gõ cửa, báo là cháu gái đã lên và chờ tôi thu xếp việc. Vội bước sang nhà mợ, đập vào mắt tôi là một em nhỏ người, ốm o và khép nép. Môi em lại khá dày, khuôn mặt hơi tối và nhợt nhạt. Cậu nhìn tôi rồi hỏi: “Con thấy nó sao?”.
Tôi thấu hiểu cảm giác một số phụ nữ không đẹp, không bắt mắt nhận phần thiệt thòi hơn nhiều người. Họ luôn chờ được người ta lựa chọn chứ ít có cơ hội chủ động lựa chọn người khác thì nói gì đến việc dám cạnh tranh với cuộc đời. Hỏi thăm qua loa, tôi hẹn sáng đưa em ấy đi phỏng vấn xin việc.
 Cha mẹ không nên nuông chiều con thái quá. Ảnh minh họa
Chúng tôi ngồi với người phỏng vấn là bạn của tôi. Chúng tôi đã chuẩn bị tâm thế sẽ đón nhận em, hướng dẫn và kèm cặp để giúp đỡ con đường sắp tới của em. Vậy mà, em làm chúng tôi bất ngờ đến não nề. Em tầm hai mươi bốn tuổi, tốt nghiệp phổ thông xong, thi rớt đại học thì ở nhà thai năm. Hai năm ấy em chỉ đi làm gần nhà hoặc loanh quanh phụ việc với mẹ. Ba mẹ em không sống chung và cũng không ly hôn nhưng một tay mẹ em lo kinh tế cho cả nhà bằng việc nuôi dê và trồng trọt.
Người mẹ ấy tháo vát, mạnh mẽ và giỏi giang nên con cái đụng đến việc gì trong nhà cũng sợ con làm hư việc. Thế là gần như tất tần tật, người mẹ quán xuyến và bao trọn gói. Em gái đó không biết nấu ăn, làm việc nhà cũng kém, đi xe máy cũng không được, lên Sài Gòn phụ quán nước vài tháng là bị chủ trả về và được mẹ em chốt là không cần đi làm, ở nhà với mẹ.
Tôi biết có một đại đa số ba mẹ vừa lo lắng con cái vất vả, vừa lại thấy “ngứa mắt” khi con làm việc được giao chậm chạp, không đến đâu. Thế là, họ gạt con cái sang một bên, ào vào làm thay con.
Tâm lý ông bà ta xưa nay “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” có vẻ như lạc hậu với nhóm ba mẹ thích “ủ” con cái kiểu này. Con gái chiên cá bị khét, “thôi mày đừng làm nữa!” hay kêu con trai quét nhà mà nó chưa kịp làm là ba mẹ đã dọn dẹp xong.
Hệ lụy cho sự yêu thương đặt sai chỗ này là sản sinh ra một thế hệ những đứa con “làm gì cũng sợ sai, làm gì cũng không dám” vì ba giỏi giang quá, mẹ đảm đang thiệt là đảm đang. Bọn trẻ hoặc nhút nhát, kém tự tin hoặc lười biếng và ỷ lại. Có ba mẹ lo hết rồi hay “ở nhà ba mẹ nuôi!” thì cần gì phải nỗ lực, cần gì phải bước ra bon chen với cuộc đời.
Quay trở lại với cô em gái đi xin việc. Chúng tôi báo với em là sẽ không nhận em vào làm việc, không phải vì ngoại hình hay vì em chưa có kinh nghiệm. Tôi dành một khoảng thời gian ngồi riêng và thẳng thắn nói hết mọi thứ với em.
Tôi bảo: “Anh chị không nhận em vì chính bản thân em không cố gắng. Anh chị hiểu rằng vì em không được mẹ cho làm việc này việc kia nên em mất tự tin, em làm gì cũng sợ mẹ mắng. Tuy nhiên, đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai khi em không nỗ lực cho bản thân em. Anh chị không muốn nhận em vào lúc này vì chẳng khác nào sẽ trở thành người mẹ thứ hai tiếp tục bao bọc cho em. Rồi đời em đến đâu?”.
“Nghề làm ba mẹ” chưa bao giờ trở nên khó khăn hơn lúc này khi cuộc sống hiện đại hơn, điều kiện sống đủ đầy hơn, gia đình ít con hơn nhưng đòi hỏi ba mẹ phải quan sát và thấu hiểu con cái nhiều hơn. Ba mẹ cần học cách không xem con cái mãi là những đứa trẻ bé bỏng để tháo gỡ bớt các lớp khăn bông đang “ủ” xung quanh con mình.
Khi bọn trẻ được ủ lâu trong nhiều lớp khăn ấm áp sẽ mất dần đi “sức đề kháng” với những cuộc sống xung quanh, yếu đuối và mong manh hơn, lại càng bắt buộc bố mẹ bao bọc nhiều hơn. Cái vòng yêu thương luẩn quẩn ấy như sợi dây trói buộc cuộc đời của bọn trẻ.
Yêu thương như vậy, chỉ khổ cho đời con!