[Gia đình] Đừng khiến cha mẹ phải lo lắng!

An Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay từ khi mới được sinh ra, bao quanh cha mẹ là hàng nghìn nỗi lo cho con cái, lo con ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, lo con ra đường nguy hiểm, lo con bị người xấu lợi dụng... Nhưng có bao nhiêu người con hiểu cho nỗi lòng của cha mẹ?

Ngày bé, mỗi khi bố mẹ nhắc nhở tôi phải mặc áo ấm khi đi học, phải mang theo áo mưa, đi xe cẩn thận,... tôi cảm thấy rất phiền, thậm chí còn cằn nhằn bố mẹ “lắm chuyện” có mấy chuyện lặt vặt ngày nào cũng nhắc.
Và 10 đứa trẻ thì chắc cả 10 đứa đều có thái độ giống như tôi hồi đó, coi việc quan tâm lo lắng nhắc nhở của cha mẹ là việc thừa, phiền phức. Đương nhiên, vì thấy phiền nên hầu hết tôi đều làm ngược lại, rồi đến khi chạy xe trên đường thấy rét run mới hối hận vì sao không chịu khoác thêm một chiếc áo, gặp cơn mưa rào mùa Hạ thì thích thú vô cùng vì được tắm mưa. Hậu quả là ốm lăn lóc, bố mẹ lo lắng phải thay phiên nghỉ làm ở nhà chăm sóc, lại còn tốn tiền đi khám bệnh mua thuốc.
Rồi tôi có thêm em gái năm tôi 15 tuổi, lúc biết mẹ có bầu tôi rất bực, cảm thấy rất ngại với bạn bè vì tự nhiên mẹ lại đẻ thêm em. Lúc em chào đời, nhìn con bé nhỏ xíu đáng yêu hay cười, thế là tôi quấn nó cả ngày. Đi đâu cũng nhớ, rồi hẹn mẹ phải thế này thế kia với em.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Đến khi em đi học, tôi cũng lo lắng đủ điều, cũng dặn dò đủ thứ, lúc này chợt nghĩ “bố mẹ cũng hay nhắc nhở mình như thế, có phải em mình cũng đang nghĩ mình rất phiền phức? Nhưng thật sự là mình chỉ đang lo lắng cho nó”. Thế là tôi đã hiểu cảm giác của bố mẹ những lúc nhắc nhở dặn dò. Cũng từ đây, tôi luôn chủ động chăm sóc bản thân để bố mẹ không phải lo lắng cho tôi nữa và bố mẹ cũng ít phải nhắc nhở tôi hơn.
Nếu là trước kia, mỗi lần lên lại trường bố mẹ nhét đủ thử vào balo bắt mang theo, rồi dặn dò phải nấu thế này thế kia cho ngon thì giờ tôi vác balo rỗng lên TP và bố mẹ cũng chỉ quay ra nói “tuần sau nhớ về nấu bún riêu cua”. Thế đấy, tôi giờ đã thành đầu bếp chính của gia đình, bố mẹ muốn ăn món gì sẽ đặt hàng tôi về nấu, cũng nhờ ở TP tôi chịu khó nấu nướng, học món này món kia, về nhà nấu bố mẹ ăn ngon, vậy là họ không còn phải lo tôi “chết đói”.
Mỗi lần về tôi cũng phổ biến cho bố mẹ nhiều thông tin về sức khỏe, chế độ ăn uống phù hợp với bệnh tình bố mẹ, thậm chí còn lên thực đơn mỗi ngày, lịch tập thể dục, đồ uống tốt cho sức khỏe... giờ tôi đã trở thành “bà già” trong nhà, vì lần nào về cũng càm ràm bố mẹ phải thế này thế kia.
Đến giờ, cô em gái vẫn luôn ghen tỵ với tôi, nó hay bảo:
- Tại sao chị muốn đi đâu làm gì bố mẹ cũng đồng ý, còn em xin thi đại học vào Sài Gòn mà bố mẹ không cho, trong khi chị còn đi tận Trung Quốc học thì được.
- Khi nào em không khiến bố mẹ phải lo lắng nữa thì em thích đi đâu cũng được, tôi đáp.
Nó vẫn gân cổ lên cãi: “Em lớn rồi, em tự lo được tất cả mọi thứ”.
- Tự lo, cơm không biết nấu, rau không biết nhặt, quần áo thì vất một đống trong phòng để mẹ phải dọn, đã bao giờ em lau được cái nhà cho mẹ chưa? Đi chơi thì không biết đường về, suốt ngày để bố mẹ phải đi tìm, rồi nhìn lại đám bạn em chơi đi, ở cùng bố mẹ em còn như vậy, sống một mình em sẽ như thế nào? Tôi quát nó trước mặt bố mẹ.
Nó im lặng bỏ về phòng, nó chưa một ngày nào chăm lo cho bố mẹ, ngược lại luôn khiến bố mẹ phải lo lắng. Đó cũng là sự khác biệt rất lớn của hai chị em, một đứa được tự do làm điều mình thích còn một đứa luôn bị bố mẹ cấm cản. Tôi được bố mẹ tin tưởng vì tôi không khiến họ phải lo lắng, mỗi một việc tôi làm đều phải nghĩ đến họ đầu tiên.
Lần đầu thất tình, tôi đau khổ vật vã, thèm lắm một cơn say nhưng không dám uống vì sợ uống rồi chuyện gì sẽ xảy ra với mình, chạy xe vẫn tự trấn an bản thân phải chạy an toàn, vì nếu có chuyện xảy ra với mình bố mẹ sẽ rất khổ tâm.
Rồi gặp bao nhiêu trắc trở trong cuộc sống, có những lúc muốn làm chuyện điên rồ, nhưng rồi sợ bố mẹ lo lắng, tôi kiềm lại tất cả.
Muốn có niềm tin từ cha mẹ, muốn báo hiếu cha mẹ, dễ lắm. Đừng khiến cha mẹ phải lo lắng!