[Gia đình] Giàu con cả, khó con út

An Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi không phải con út trong nhà, và tôi vẫn luôn ghen tỵ với cậu út nhà tôi khi còn bé. Vì lúc nào tôi cũng phải nhường nhịn, có đồ ăn ngon phải nhường, việc làm khó thì tôi và anh cả gánh. Chúng tôi vẫn bảo nhau “là con út sướng thế".

Nhưng đó là câu chuyện khi chúng tôi con nhỏ, khi đã trưởng thành mọi thứ có vẻ đi ngược lại. Vì là lớn nên chúng tôi được quyền chọn trường học, chọn nơi ở mình thích. Khi cả tôi và anh trai đều chọn học tập và sinh sống ở những thành phố xa nhà, đương nhiên cậu út “mất lượt" và bắt buộc phải chọn học trường gần nhà.
Và đến lúc nó phải gắt lên “tại sao chị ấy là con gái được đi học xa còn con thì phải học gần, con muốn vào Sài Gòn học". Tôi, bằng mọi lý lẽ của mình phải thuyết phục nó lý do vì sao nó không thể đi học xa, là vì nhà có 3 anh em, hai đứa đã sống xa nhà rồi, giờ nó cũng đi nốt thì bố mẹ sẽ buồn, rồi sau có tuổi bố mẹ ốm đau không có ai lo lắng chăm sóc. Nó nghe xuôi xuôi nên từ đó an phận chấp nhận học ở gần nhà.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Giàu con cả hay không thì tôi không biết, nhưng khó con út là thật. Mọi chuyện trong nhà đều một tay nó lo lắng, chuyện chăm lo bố mẹ mỗi khi bệnh, chuyện giỗ tết, rồi chuyện giữ quan hệ làng xóm,... chúng tôi ở xa, một năm về nhà vài ba lần, có chuyện gì chúng tôi chỉ gửi tiền phụ là xong.
Nhớ có lần, bố bệnh nặng, tôi ráng mãi mới xin nghỉ để về thăm, về thấy nó gầy dạc người mà thương vô cùng, vì ngày phải lo lắng việc công ty, đêm lại chạy vào chăm bố, rồi nhiều khi ngày có chuyện bệnh viện gọi nó lại phải chạy mấy chục cây số tới. Lúc đó mới thấy những đồng tiền mình gửi về không thể so với công sức mà nó đã bỏ ra.
Vậy mới thấy, bố mẹ có thể chăm và nuôi cùng lúc mấy đứa con, nhưng cả đám con lại chỉ có một đứa chăm lo cho bố mẹ.
Hôm trước gặp cô bạn, hai đứa ngồi uống chút bia, có chút men vào người nó mới dốc hết nỗi lòng bao năm giữ một mình. Nghe nó kể không kìm được nước mắt, không nghĩ bạn mình lại mạnh mẽ và vất vả như vậy trong những năm qua. Nhà có 5 anh chị em, nó là út, các anh chị đều đã có gia đình riêng chỉ mình nó còn độc thân.
Chuyện không may là cách đây 5 năm, mẹ nó phát hiện ung thư gan, cũng là 5 năm ấy một mình nó gồng gánh tất cả. Các anh chị đều lấy lý do gia đình khó khăn, phải chăm lo con cái, không phụ giúp nó được một đồng nào lo cho mẹ. Những lúc mẹ phẫu thuật, cũng chỉ một mình nó lo cho mẹ trong bệnh viện, không một ai vào thăm hay phụ giúp. Những lúc một mình đẩy băng ca đưa mẹ đi kiểm tra hết khoa này đến khoa khác của bệnh viện khiến nó bật khóc vì mệt mỏi một thì vì tủi thân mười.
Tủi thân vì thương mẹ, vì sao mẹ sinh đến 5 người con, cả 5 người đều được nuôi lớn ăn học tử tế nhưng tại sao giờ chỉ có mình nó chăm mẹ. Có những lúc mẹ yếu, từ quê vào TP khám bệnh đi xe cũng mất mười mấy tiếng, nó không yên tâm, phải bắt xe về quê đưa mẹ vào khám bệnh rồi lại tất tả bắt xe đưa mẹ về.
Nghe kể, tôi thật sự không thể tin, ít nhất nếu khó khăn tài chính thì cũng phải phụ giúp công sức chăm sóc và ngược lại. Nhưng không, một mình nó lo tất cả. Thế nên, ở tuổi 34 nó vẫn trắng tay, chưa chồng không con và không có bất kỳ tài sản nào. Nó bảo, tài sản lớn nhất của tao là MẸ, chỉ cần mẹ được sống vui vẻ khỏe mạnh là vui rồi.
Gần đây, mẹ nó được chẩn đoán sẽ chỉ sống thêm được một thời gian ngắn. Nó buồn nhiều nhưng không dám nói tình trạng bệnh với mẹ, chỉ biết động viên mẹ vui vẻ bệnh sẽ đỡ hơn. Biết không thể ở cùng mẹ bao lâu, nó luôn cố gắng dành nhiều thời gian nhất để ở bên mẹ và thực hiện mọi ước muốn của mẹ.
Nó bảo “tao đã sống và làm mọi thứ trọn vẹn với mẹ, nên nếu mẹ có không còn tao cũng không có gì phải hối tiếc, tao đã làm tất cả mọi thứ có thể, dù biết không thể tránh được ngày ấy” - nó cố gắng nhưng vẫn không thể kìm được nước mắt.
Chúng tôi học cùng và quen nhau cũng hơn chục năm, nhưng đây là lần đầu tiên nó trải lòng về cuộc sống gia đình. Trước giờ nó vẫn chịu đựng tất cả một mình, không than vãn với bất kỳ ai. Giống như con út sinh ra là phải gánh trách nhiệm với mẹ cha!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần