[Gia đình] Khi chồng là người nước ngoài

Thanh Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyện phụ nữ Việt lấy chồng Tây đã… xưa như trái đất. Tuy nhiên, với cuộc hôn nhân của chị và anh, một người Anh thì vẫn rất mới mẻ. Anh và chị dù ngày càng gần nhau văn hóa, nhưng chị cảm thấy đến với anh như đến vùng đất lạ đầy lãng mạn, màu sắc rự rỡ, hoa thơm cỏ lạ còn nhiều điều để khám phá…

Hôm ấy, chị bước vào giảng đường đại học thân quen, ở hành lang thì gặp một nam trung niên ngoại quốc dáng cao gầy. Anh có mái tóc bồng bềnh, mắt xanh biếc. Chị vào giờ giảng xong, bước ra khỏi lớp chợt nghĩ về anh ta, tự hỏi: “Tại sao mình lại nghĩ về anh ta nhỉ? Người mà mình đến cái tên cũng không biết”. Trường của chị đào tạo đa ngành, có lẽ anh chàng ấy là một người ngoại quốc được mời giảng.
Một thời gian sau, chị đã quên hẳn anh chàng kia. Thế rồi, vào buổi chiều sau giờ giảng, chị nhận được tin nhắn của nữ đồng nghiệp: “Chốc nữa đi ăn tối với mình, tại… Mình có chuyện bất ngờ cho cậu”. Chị sau khi gọi điện cho người giúp việc nhắc đón con, cho con ăn rồi nhắn cho bạn là sẽ đến nơi hẹn.
 Ảnh minh họa.
Vào nhà hàng quen thuộc, chị thấy bạn đang ngồi với một người đàn ông. Chị giật mình là té ra đó là anh chàng ngoại quốc mình đã gặp ở hành lang giảng đường. bạn của chị giới thiệu cho chị về anh chàng: Doanh nhân, tiến sĩ, đang dạy ở trường… Sau những câu chuyện xã giao, bạn chị nói anh chàng này ấn tượng về chị và muốn làm quen, hẹn hò với chị. Bạn chị nói thêm, anh chàng đã được biết hoàn cảnh của chị và những đứa con riêng. Đương nhiên, chị không nhận lời ngay. Sau không ít lần đi ăn cơm, cà phê chung có mặt 3 - 4… người, chị mới bắt đầu mến anh và nhận lời hẹn hò cùng anh. Dù chỉ mới làm quen, chị thấy văn hóa ở anh khác biệt, nhưng rất dễ mến. Ví dụ, đến dự buổi lễ tốt nghiệp của con chị, anh ăn mặc rất đẹp, mang bó hoa tươi thắm cùng chị dự lễ, rồi lên tặng hoa như là người bố thực thụ…

Anh rất tôn trọng chuyện riêng của vợ, từ việc nhà đến việc trường nhưng rất sẵn lòng giúp đỡ về chuyên môn nếu được yêu cầu. Đặc biệt, dù là một doanh nhân, một tiến sĩ nhưng anh không nề hà, tham gia tích cực làm việc nhà. Anh nói, đó là nghĩa vụ của bất cứ người chồng nào. Anh chú ý đến chuyện ăn uống trong gia đình, để vừa đủ vừa cân đối dinh dưỡng. Với đứa con nhỏ của chị, anh tập cho nó tự ăn, tăng cường rau vì cháu hơi thừa cân. Anh còn dạy cho cháu làm việc nhà, như nhặt sau, lau bàn ghế. Nhìn anh đứng bên chỉ dẫn cho cháu thao tác cắt rau củ, chị cảm giác như anh là người cha đích thực của đứa bé. Anh cũng thường xuyên kiểm tra việc học hành của đứa bé, chỉ dẫn cháu sửa lại bài mỗi khi nó làm sai. Sáng sớm, anh cùng cháu chạy bộ. Ngày đầu hai người chạy chậm, cự ly ngắn, dần dần qua nhiều tuần, nhiều tháng cự ly tăng, tốc độ tăng lên. Đứa bé ngày càng thon gọn, phát triển chiều cao rất tốt. Cháu biết xin phép khi muốn cầm điện thoại để chơi game…

Đó là những điều ở anh làm chị khá bất ngờ. Tuy nhiên, anh vẫn dành cho chị những bất ngờ khác, kiểu: Mặc quần bò một ngày rồi, đem ra phơi nắng rồi mặc tiếp chưa vội giặt để tiết kiệm nước, tức tiết kiệm tài nguyên; trong kinh doanh anh chú ý chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý để nhiều người mua được, không quá chú trọng về lợi nhuận…

Năm tháng trôi qua, con của họ (anh và chị coi con riêng của chị như là con chung) lớn dần lên. Họ vẫn làm công việc yêu thích của mình. Chị cũng quen với việc anh vẫn thích đồ ăn phương Tây, thích cầm dao nĩa. Họ cũng nhiều lần bàn nhau định cư ở Anh nhưng rồi quyết định ở lại Việt Nam, nơi anh đã thật sự coi là quê hương thứ hai của mình.

Ngày giỗ cha chị, một lần lên thắp hương cho cha mình, thấy anh lom khom nhổ cỏ, lấy khăn lau mộ, rồi nghiêm cẩn thắp hương, chị trào dâng cảm giác thân thương đến lạ. Về nhà vợ, anh vui vẻ uống rượu, trò chuyện với bà con, xóm làng như người thân lâu năm trở về. Chị cảm nghĩ: “Văn hóa khác biệt không quá quan trọng. Điều quan trọng là sự thông cảm, thương yêu nhau chân thành, đúng như câu nói của người xưa: Thuận vợ, thuận chồng...”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần