[Gia đình] Khi chồng muốn đặt tên con gái giống tên vợ cũ

Phương Giao
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Tháng trước, chúng tôi phát hiện ra một thế giới mới. Một thiên thần đã đến. Chào mừng con gái nhỏ đến với thế giới của cha mẹ!”, cô bạn tôi chia sẻ. Vài ngày sau, cô lại bức xúc: “Trời ơi! Cành vàng… lá ngọc”...

Hóa ra, vì rằng chồng cô có với người vợ trước một cô con gái 6 tuổi. Cô con gái ấy tên là Kim Chi và chồng cô muốn đặt tên con gái là Ngọc Diệp. Ngọc Diệp là cái tên không tồi, nhưng nó lại gắn liền với “luật lệ” của người vợ trước.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Cô bức xúc: “Anh ấy không hiểu tại sao tôi không thích cái tên đó và nói rằng con gái của chúng tôi sẽ cảm thấy bị “khác biệt” nếu không thành một mảnh ghép trùng khớp với các tên của chị gái!”. Cô ấy lại nói thêm: “Tôi hỏi nếu chúng tôi có thêm con, liệu rằng chúng tôi có phải đặt tên con là “Vinh Hoa” hay “Phú Quý” không để cho có vẻ cùng chủ đề… Chồng tôi nói tôi quá xấu tính, hẹp hòi và thích thổi phồng mọi thứ”. 

Bởi lẽ sự phản đối, bức bối của bạn tôi liên quan đến người vợ cũ - điều này hoàn toàn có thể hiểu được! Rốt cuộc, cô ấy không muốn cái bóng của người phụ nữ khác ảnh hưởng đến quyết định quan trọng này suốt cuộc đời con mình.
Tôi lại nghĩ khác và khuyên bạn nghĩ lại theo chiều hướng tích cực hơn. Mọi thứ có lẽ không quá “hư”. Thay vì nghĩ rằng đó là việc không thừa nhận bạn là một gia đình mới, có thể anh ấy đang nghĩ cách kết hợp các thành viên trong gia đình. Vì vậy, trong tâm trí anh ấy, anh ấy không phải không tôn trọng người vợ mới của mình mà, theo một cách nào đó, giống như thể anh ấy đang cố gắng bảo vệ hai cô con gái của mình khỏi cảm giác bị chối bỏ. Nếu chồng bạn muốn chọn cho con gái một cái tên có liên quan đến chị gái, hãy chọn một ít tên bắt đầu bằng chữ lót hay tên của người chị: Kim Ngân, Kim Diệp, Kim Phúc hoặc Chi Mai, Quế Chi, Chi Lan… và trao đổi với chồng và cả cô chị hai nữa. Điều bạn cần làm hơn hết là dành thời gian để bồi đắp mối quan hệ với đứa trẻ bằng tình thương và sự trân trọng”.

Khi bước chân vào hôn nhân với người đã từng trải qua một đời vợ, bạn tôi có lẽ cũng hình dung được rất nhiều những ảnh hưởng, những tác động, nhưng có lẽ bạn chưa tưởng tượng nổi chỉ một chuyện đặt tên con cũng ảnh hưởng trầm trọng đến cảm xúc của bạn. Một phần do thay đổi nội tiết tố trong khi mang thai, một phần có lẽ bạn tôi dần thiếu tự tin vào bản thân.

Thời gian sau gặp lại, bạn tôi giờ cố gắng vui vẻ hơn, cố gắng thay đổi bản thân, chăm sóc con gái riêng của chồng để cả ba người cùng nhau gắn bó và giúp chồng nhận ra rằng con gái của anh không thiếu tình thương người mẹ. Điều đó là cách cô bạn tôi chấp nhận quá khứ. Cuộc hôn nhân trước là một phần trong cuộc sống của chồng bạn và điều đó là không thể thay đổi được. Ngày giỗ của vợ trước, bạn tôi còn chủ động rủ con gái đi mua hoa và trái cây đưa lên chùa thắp nhang cho mẹ nó.

“Hóa ra, bây giờ tao lời lắm mày ạ. Kim Chi vốn là đứa trẻ ít nói, nhút nhát nên tao thường phải nhờ con làm những việc nhỏ, có liên quan đến em gái, như chọn tên cho em, nói chuyện cho em không quậy… để con tự ý thức mình sẽ làm chị. Con gái lớn giờ nghe lời và ngoan lắm. Con tự mở tủ, lấy ra cho em những bộ quần áo xinh xắn mà ngày xưa con gái đã từng mặc. Tao không cố gắng chứng tỏ tao là mẹ ruột của Kim Chi”, bạn tôi chia sẻ.

Trong gia đình, rổ rá cạp lại, thường sẽ xuất hiện “con tôi, con anh, con chúng ta.” Bọn trẻ đủ lớn để biết rằng bạn không phải là cha hay mẹ ruột của chúng. Vì vậy, từ trải nghiệm của bạn tôi, hãy thử nói với trẻ một điều gì đó như: “Mẹ không phải là người thay thế mẹ con và mẹ sẽ không bao giờ làm như vậy. Mẹ ở đây với con như một người mẹ thứ hai hoặc một người bạn tốt”.