[Gia đình] Nàng dâu hờ

An Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nói là hờ, nhưng cô cũng được cưới xin đàng hoàng. Ngày đầu về nhà chồng, mẹ chồng không đoái hoài, bà than mệt và nằm luôn trong phòng, mặc ai muốn làm gì thì làm, bà không quan tâm.

Cô em họ tôi bị liệt vào hàng “quá lứa lỡ thì” trong làng, thế nên người mai mối tấp nập, hễ thấy ở đâu có trai ế, đàn ông mất vợ,... là người ta nghĩ ngay đến việc làm mai cho cô. Nghe qua có vẻ như cô xấu xí, chậm chạp không biết làm ăn gì ra hồn.
Nhưng không, cô sở hữu chiều cao lý tưởng của nhiều cô gái hiện đại với 1m75, dáng người mảnh khảnh và khuôn mặt khả ái. Cô cũng học hành giỏi giang, tiếng Anh nói như gió, cô cũng là chủ một công ty nhỏ. Vậy mà mỗi khi về quê, bố mẹ xem cô như đồ bỏ đi, chỉ vì… cô chưa có chồng.
 Ảnh minh họa.
Mệt mỏi, có khi cả tháng trời cô mới về nhà một lần, nhưng hễ thấy mặt cô là bố mẹ cằn nhằn cau có, chửi mắng cô bằng những lời lẽ thậm tệ, vì bao nhiêu mai mối cho không chịu lấy để giờ người ta đi lấy vợ hết rồi.
Có lần gặp tôi, cô than thở thật nhiều, rằng bố mẹ không hiểu cho cô, hạ thấp giá trị bản thân cô, cô học hành tử tế, cô kiếm ra tiền, tại sao bố mẹ có thể muốn cô lấy một anh chàng phụ hồ hay một anh đi cày. Tôi té ngửa, sao bố mẹ cô kỳ vậy, dù có muốn con gái lấy chồng cỡ nào, cũng lựa người có học thức tương đương chứ.
Rồi một ngày, cô thông báo với tôi cô chuẩn bị cưới. Tôi hốt hoảng “có muốn lấy người ta thật không hay vì áp lực gia đình cưới?”. Cô bảo thấy anh này cũng được, hiền lành chịu khó và học hành cũng tương đương mình, vợ mất rồi nhưng chưa có con cái gì. Thế là cô cưới, ngày đầu về nhà chồng, lúc đón dâu về không thấy bóng dáng mẹ chồng đâu, cô cũng không thắc mắc nhiều vì nghĩ bà mệt vì lo đám cưới.
Nhưng những ngày làm dâu sau đó, cô liên tục bị mang ra so sánh với vợ cũ của chồng khiến cô mệt mỏi. Dù 2 vợ chồng cô ở Hà Nội, rất ít khi về quê ở cùng bố mẹ. Lúc ăn, lúc cả nhà ngồi trò chuyện, mẹ chồng cô hễ mở miệng ra là nhắc “ngày xưa cái H nó thế này thế kia, nếu H còn sống nó sẽ thế này, thương H quá...”.
Mới đầu cô nghĩ mẹ chồng thương con dâu, cô thấy cảm mến vì tình cảm bà dành cho con dâu trước, nhưng chuyện lặp đi lặp lại quá nhiều khiến cô thấy mình như người thay thế, à không, thậm chí không xứng đáng làm người thay thế.
Bà bắt cô phải coi bố mẹ của nàng dâu trước như bố mẹ đẻ, phải thường xuyên thăm nom, rồi đôi lúc bà thở dài khi nhắc tới em gái của nàng dâu trước. Hóa ra, sau khi chị gái mất vì bệnh, gia đình bên ấy muốn anh rể lấy luôn em gái của vợ, vì với họ đây là một chàng rể vô cùng tốt, nếu chị không có duyên sống cả đời, em gái sẽ thay thế.
Tiếc rằng chồng cô không chịu, vì không có tình cảm hay vì sợ nhìn em nhớ chị, cô cũng không rõ và cũng không muốn biết. Thì ra, mẹ chồng cô vốn không muốn cô trở thành dâu, nhưng vì con trai bà chọn nên bà phải chịu. Vậy nên bà cứ tiếc mãi nàng dâu cũ và cả nàng dâu hụt. Giờ cô mới biết sao ngày cưới cô về, mẹ chồng cô lại buồn đến mức cứ nằm lì trong phòng.
Bà luôn bảo cô tốt số lắm mới lấy được con trai bà, ý bà là nếu không có con trai bà, cô vẫn là gái ế. Cô bảo, nếu biết trước bà không ưng, cô sẽ không cưới, lúc này cô mới thú thực khi đó quyết cưới vì quá áp lực từ gia đình.
Cho đến bây giờ, ngay cả khi cô đã sinh con bà vẫn hờ hững. Ngày cô chuẩn bị đẻ, muốn đón bà ra phụ chăm cháu, bà từ chối vì bị ốm. Rồi mình mẹ cô phải chăm con chăm cháu suốt cả tháng, bà thi thoảng ra chơi một tí rồi về luôn. Cũng rất may mắn chồng cô là người tỉ mỉ, yêu thương vợ con, anh xin nghỉ làm 2 tháng để ở nhà chăm vợ. Ngày nào cũng nấu món này món kia để vợ ăn có sức, hôm nào cô ăn không nhiều là anh giận.
Sau gần 3 năm, với bà, cô vẫn chỉ là nàng dâu hờ. Bà yêu thương nàng dâu dù đã mất là điều rất đáng quý từ người mẹ chồng, nhưng cũng không nên vì thế mà đối xử tệ với con dâu hiện tại. Xét cho cùng, người sẽ tiếp tục sống với bà những ngày còn lại của cuộc đời là cô, là những đứa con của cô. Hãy trân trọng những gì thuộc về hiện tại và để quá khứ được ngủ yên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần