“Gia đình nhỏ” của người khuyết tật

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bị liệt một chân từ nhỏ, nhưng chị Đinh Thị Quỳnh Nga (sinh năm 1977, ở thôn Gò Sỏi, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn) vẫn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.

Không chỉ giúp bản thân có cuộc sống ổn định, chị còn hỗ trợ nhiều người khuyết tật từng bước tái hòa nhập cộng đồng.

Cuộc sống mới

Nằm giữa thôn Gò Sỏi (xã Hồng Kỳ), khu xưởng sản xuất, chế tạo các mặt hàng bằng gỗ của Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ (HTX TCMN) Trái Tim Hồng không lúc nào ngơi nghỉ. Em Võ Thị Hải (sinh năm 1995), quê ở huyện Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) cho biết, do hoàn cảnh khó khăn nên rời quê hương lên Hà Nội tìm việc làm. Bươn chải nhiều nơi, làm đủ thứ việc, nhưng chẳng nơi đâu ổn định. Mãi tới năm 2015, cơ duyên đến khi em tìm đến được với HTX TCMN Trái Tim Hồng. Kể từ đó đến nay, em được hỗ trợ đào tạo nghề làm hạt gỗ, chế tác ra nhiều vật dụng sinh hoạt như: Chiếu gỗ hương, khoác ghế ô tô, đệm lót văn phòng, gối đầu massage, túi sách mỹ nghệ, vòng đeo tay, dây đeo cổ… Không chỉ được học nghề, em còn được trả lương hàng tháng và được HTX hỗ trợ về nơi ăn, chốn ở.
Chị Đinh Thị Quỳnh Nga (ngoài cùng bên trái) trong một cuộc gặp gỡ giao lưu với những người khuyết tật khác do Bộ LĐ,TB&XH tổ chức.
Võ Thị Hải là một trong 25 người khuyết tật đang được HTX TCMN Trái Tim Hồng cưu mang, nâng đỡ đi qua những tháng năm khốn khó của cuộc đời. Giống như Hải, khi đến với HTX, tất cả các thành viên đều được học nghề, được tạo việc làm để tự kiếm sống bằng chính đôi tay của mình. Nhưng điều quan trọng và ý nghĩa hơn cả là có “một gia đình nhỏ”, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau như những người thân trong nhà.

Hành trình không đơn độc

Điều ngạc nhiên là Giám đốc HTX TCMN Trái Tim Hồng Đinh Thị Quỳnh Nga cũng là một người khuyết tật. Từ khi sinh ra, chân phải của chị đã bị liệt, không thể đi lại như người bình thường. Ấy thế nhưng bằng nghị lực kiên cường, chị đã gây dựng và chèo lái cơ sở sản xuất TCMN có được thành quả rất đỗi tự hào hôm nay.

Dù vậy khi được hỏi, chị Nga lại khiêm tốn cho rằng, HTX có thể hoạt động ổn định là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong nước, quốc tế. Năm 2016, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã công nhận HTX TCMN Trái Tim Hồng là “Cơ sở sản xuất của người khuyết tật”, cùng với đó là nhiều chế độ dành cho tổ chức chính trị - xã hội vì cộng đồng theo quy định của Nhà nước. Với sự giúp đỡ của Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, Liên minh HTX TP và Sở NN&PTNT Hà Nội, từ khi thành lập đến nay, đã có ít nhất hai lần HTX TCMN Trái Tim Hồng được tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu và bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ lớn. Ngoài ra, nhiều tổ chức quốc tế cũng hỗ trợ HTX nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất.

Những sự đồng hành thiết thực trên đã giúp HTX TCMN Trái Tim Hồng từng bước ổn định sản xuất, không chỉ đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội địa phương mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động khuyết tật.

"Tôi hy vọng các em rồi sẽ trở thành những người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Mong rằng người khuyết tật sẽ có được nhiều hơn những cơ hội để khẳng định mình trong cuộc sống…” - Giám đốc HTX TCMN Trái Tim Hồng Đinh Thị Quỳnh Nga

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần