[Gia đình] Tôi như người đẻ thuê không được trợ cấp

Khánh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi muốn bỏ chồng, thật sự rất muốn bỏ nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng. Vì nếu ly hôn tôi sẽ không có nơi để đi, trở về nhà bố mẹ đẻ cũng không thể, vì họ đã khổ lắm rồi, tôi không thể trở thành gánh nặng tiếp theo của họ.

Tôi là giáo viên mầm non ở một vùng quê, chồng cùng quê hơn tôi 5 tuổi đã từng đi xuất khẩu lao động nhiều năm. Chúng tôi lấy nhau qua sự mai mối vì cả hai đều “quá lứa lỡ thì", không có nhiều thời gian để tìm hiểu, mà nói trắng ra thì dù có tìm hiểu thì cũng không có lựa chọn nào khác, vì người cùng quê nên cũng đã khá rõ về hoàn cảnh gia đình của nhau, có điều tôi thật sự không biết được lối sống của chồng và mẹ chồng.
Ảnh minh họa.
Khi cưới, họ hàng ai cũng bảo tôi sướng, vì lấy được chồng giàu. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu, tôi chưa từng được đụng đến một đồng nào của chồng. Bao nhiêu năm đi làm, anh đều gửi tiền cho mẹ giữ, thậm chí cả khi lấy vợ rồi, tiền hàng tháng kiếm được anh vẫn đưa mẹ quản lý. Tôi đi dạy lương tháng hơn 5 triệu đồng, mỗi tháng đưa mẹ chồng 3 triệu để phụ thêm chi tiêu trong nhà. Mọi thứ coi như ổn cho đến khi tôi sinh con mới thật sự khó khăn.
Trong suốt thời gian mang thai, mẹ chồng không hề quan tâm hỏi thăm hay mua cho tôi bất kỳ món đồ bổ dưỡng nào. Từ lúc có thai tôi lại ăn nhiều, thèm đủ thứ, cân nặng tăng. Mẹ chồng thấy vậy liền đề nghị ăn riêng, trong khi trước giờ mỗi tháng tôi đều gửi tiền để bà lo mua sắm ăn uống trong nhà.
Có lẽ bà nghĩ, giờ tôi ăn nhiều, số tiền đưa bà mỗi tháng không đủ, bà sợ thiệt. Vậy là tôi ăn riêng một mình từ lúc thai tháng thứ 4, dĩ nhiên là chồng vẫn ăn cùng bố mẹ. Vậy đó, nghĩ mà tủi nhục trong khi chồng vẫn không đưa cho tôi đồng nào để lo mua sắm đồ sinh con.
Tháng đầu ở cữ, mẹ đẻ chỉ đến chăm sóc được 1 tuần, sau đó mỗi sáng bà mua đồ ăn mang đến cho tôi, còn lại mỗi ngày tôi vừa chăm con, vừa lo giặt giũ nấu nướng, mẹ chồng không hề phụ bất cứ việc gì. Cảm thấy tủi vô cùng, vì tôi sinh con gái nên chồng không thèm quan tâm cả mẹ lẫn con.
Cuộc sống cứ tiếp diễn, tôi vẫn ăn riêng cùng con, sử dụng đồng lương ít ỏi của mình để nuôi con, chồng chưa từng mua cho con được hộp sữa hay bộ quần áo nào. Cả ngày con bé đến trường cùng tôi, ăn ở trường, bữa tối về hai mẹ nấu nướng ăn uống qua loa, có hôm con bé đòi ăn cơm cùng bố với ông bà, thế là tôi pha mì gói ăn. Nói thêm là chúng tôi sống chung một nhà, bố mẹ chồng ăn cơm ngoài nhà, còn tôi ăn trong phòng riêng nên con bé thường xuyên đòi qua ăn với ông bà.
Rồi tôi sinh đứa thứ 2, vẫn là con gái, chồng càng tỏ vẻ coi thường, mẹ chồng cũng vậy. Bố chồng tốt hơn nhưng ông cũng không giúp được gì khi bị tai biến nhiều năm nay không làm được gì.
Mẹ đẻ tôi từng cãi nhau với mẹ chồng vì không nhịn được cách họ đối xử với tôi, cách họ coi thường gia đình tôi (mẹ tôi cũng đẻ toàn con gái). Mẹ đẻ tuyên bố sẽ không bao giờ bước chân đến nhà chồng. Tôi vô cùng mệt mỏi khi bị chồng và mẹ chồng chì chiết, nói bóng nói gió cả ngày vì đẻ toàn con gái, nhà gia cảnh nhà tôi không tốt...
Nhưng tôi chẳng thể ly hôn, mẹ tôi cũng không dám gọi tôi về nhà bỏ chồng, vì hai chị gái tôi đã ly hôn mang theo con về, cô em út ngỡ là tương lai của cả nhà vì con bé xinh xắn học giỏi thì bỗng dưng hóa điên. Gánh nặng tâm lý, nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng thêm lên đôi vai cha mẹ già. Chính vì vậy mà dù có bị đối xử tệ hại, tôi vẫn phải bám trụ lại căn nhà này và cố gắng phải sinh được một thằng cu mới có thể tiếp tục.
Tôi có thai đứa thứ 3, chồng và mẹ chồng tuyên bố “nếu lần này lại đẻ con gái thì tao trả về nơi sản xuất". Và đương nhiên, mọi chi phí nuôi hai đứa con từ trước đến giờ và đứa thứ 3 này vẫn là một mình tôi lo. Bao nhiêu năm tôi chưa được mua bộ đồ mới cho bản thân, con cái không được uống sữa, không được ăn ngon như con người ta, thậm chí khi mang thai tôi thèm chục trứng gà ta luộc cũng không dám ăn.
May mắn, tôi sinh được con trai và được đối xử tốt hơn một chút. Thật chua chát khi một đứa cũng được ăn học tử tế như tôi mà phải chạy đua để sinh được thằng con trai cho nhà chồng, cái thứ quan điểm cổ hủ này vẫn còn tồn tại và tôi không đủ khả năng để bài xích nó. Rồi tương lai hai đứa con gái của tôi sẽ về đâu?