Gia Lâm nỗ lực vì tiện ích cho người dân

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vượt qua nhiều khó khăn đặc thù về trình độ dân trí, cũng như cơ sở vật chất, gần đây Gia Lâm đã vươn lên đứng thứ hai trong khối huyện về chỉ số cải cách hành chính (CCHC). Đạt kết quả này, là nhờ những nỗ lực rút ngắn quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân, DN.

Rõ quy trình nội bộ giải quyết công việc

Xác định cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, UBND huyện đã phân công một Phó Chủ tịch và Trưởng phòng Tư pháp huyện làm cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC của huyện. Đáng chú ý, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, xã, thị trấn xây dựng quy trình nội bộ giải quyết công việc có thời gian từ 2 ngày và sự tham gia của 2 cán bộ, công chức (CBCC) trở lên - chính là căn cứ để phân công đảm bảo “5 rõ” theo chỉ đạo của TP. Mọi quy trình ISO, nội bộ, quy trình làm việc được xây dựng, kiểm soát chặt chẽ, công khai tại bộ phận một cửa (BPMC), trên cổng giao tiếp điện tử huyện và cập nhật thí điểm vào phần mềm 1 cửa 3 cấp. “Trên cơ sở đó, lãnh đạo có thể kịp thời phát hiện những sai sót, nhũng nhiễu để chấn chỉnh hoạt động của cơ quan và kiểm soát chặt quá trình giải quyết TTHC; người dân cũng tự giám sát được “đường đi” hồ sơ của mình” - Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Thuần khẳng định.
 Công chức bộ phận Một cửa xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) giải thích về TTHC cho người dân
Đặc biệt, để rút ngắn thời gian giải quyết những TTHC có phát sinh nhiều hồ sơ, UBND huyện đã yêu cầu các phòng chuyên môn và xã, thị trấn rà soát 100% TTHC, xây dựng phương án đơn giản hóa ít nhất 10% TTHC thuộc thẩm quyền. Đến nay, tại huyện đơn giản hóa được 71 TTHC (đạt 23,1%), rút ngắn 336 ngày giải quyết; cấp xã đơn giản hóa được 17 TTHC (đạt 10%). Đồng thời, UBND huyện yêu cầu CBCC lập kế hoạch công tác tuần, tháng, quý; lấy kết quả thực hiện làm căn cứ đánh giá CBCC hằng quý - chính là tiền đề giúp CBCC giảm các việc tồn đọng, thời gian giải quyết công việc cũng như TTHC. Với cố gắng này, năm 2017, từ huyện đến các xã đều đạt trên 99% TTHC được giải quyết đúng, trước hạn.

Gia tăng sự hài lòng

Cùng với việc thường xuyên rà soát giảm thời gian giải quyết TTHC, tăng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành kế hoạch xác định chỉ số đánh giá kết quả CCHC của xã, thị trấn và khảo sát mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức về dịch vụ hành chính công tại xã, thị trấn. “Kết quả khảo sát là căn cứ để chúng tôi xác định chỉ số CCHC - một tiêu chí đánh giá thi đua của đơn vị, giúp UBND huyện nắm được chất lượng cung cấp dịch vụ công ở từng đơn vị và năng lực, đạo đức công vụ của CBCC giải quyết TTHC, với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân và DN làm thước đo hiệu quả nhất” - ông Thuần nhấn mạnh. Song song với đó, từ huyện đến xã luôn bố trí CBCC có trình độ, trách nhiệm tại BPMC và kiên quyết xử lý những CBCC gây phiền hà cho người dân hoặc chậm trả kết quả không có lý do chính đáng.

Lãnh đạo UBND huyện cho biết, để tạo thuận lợi cho người dân, năm nay, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh CCHC gắn với ứng dụng CNTT để nâng tỷ lệ giải quyết dịch vụ công mức 3, 4 lên 40%. Để đạt mục tiêu này, từ huyện đến các xã sẽ tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền để người dân thấy rõ tiện ích của DVC mức 3, 4. Đặc biệt, UBND huyện sẽ rà soát, đánh giá dịch vụ công mức 3 đang cung cấp để rút ngắn quy trình giải quyết, nâng lên mức 4 cho phù hợp. Đồng thời, tiếp tục tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn, qua đó sơ kết một năm triển khai để làm tiền đề áp dụng dịch vụ công mức 4 đảm bảo yêu cầu của TP. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả dịch vụ công mức 4, UBND huyện kiến nghị sớm xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia để công dân tham gia giải quyết TTHC không phải cung cấp nhiều hồ sơ, giấy tờ. Bên cạnh đó, sửa đổi, nâng cấp phần mềm Esam và hợp nhất các phần mềm giải quyết TTHC tại BPMC nhằm giảm tải việc nhập dữ liệu thông tin của cá nhân giải quyết TTHC.