Gia Lâm siết chặt kỷ cương hành chính

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo chuyển biến trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), một giải pháp trọng tâm được huyện Gia Lâm chú trọng triển khai năm nay là tăng cường công tác kiểm tra công vụ.

Không ngừng nâng chất lượng thực thi công vụ

Ngay từ đầu năm, huyện Gia Lâm đã ban hành các kế hoạch cụ thể triển khai 6 nội dung CCHC, theo đó đề ra 36 nhiệm vụ nhằm thực hiện hiệu quả CCHC, duy trì kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực hệ thống chính trị. Hết quý II, huyện đã hoàn thành gần 80% số nhiệm vụ, như: Lấy ý kiến người dân về phục vụ của cơ quan hành chính; lắp camera giám sát chung cho 22 xã/thị trấn tại Phòng Nội vụ… Sau khi Chủ tịch UBND TP ban hành Chỉ thị 06 ngày 16/4/2018, UBND huyện yêu cầu các đơn vị tổ chức quán triệt ngay. Trong đó, đặc biệt chú trọng thực hiện nghiêm quy định tiếp nhận - giải quyết TTHC; văn hóa giao tiếp trong thực thi công vụ; nghiêm cấm tự ý ra ngoài trụ sở trong giờ làm không vì mục đích công tác… Đa số đơn vị xây dựng chương trình công tác rõ nội dung công việc, tiến độ hoàn thành, lịch tuần đăng trên Cổng TTĐT huyện.

Trưởng phòng Nội vụ Trần Trung Tuyết cho hay, công tác kiểm tra công vụ năm nay được huyện triển khai quyết liệt hơn nhiều, với mục tiêu kiểm tra thường xuyên, đột xuất 100% xã/thị trấn, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp. Đáng kể, nửa đầu năm, đoàn kiểm tra công vụ huyện thực hiện được 16 cuộc theo kế hoạch và 13 cuộc đột xuất tại 18 xã, 3 phòng chuyên môn, 3 đơn vị sự nghiệp; cùng 1 cuộc kiểm tra chuyên đề theo thông báo của UBND huyện; hai tháng 7, 8 tiếp tục gần 20 cuộc đột xuất và theo kế hoạch.

Kiên quyết với vi phạm

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Thuần, quá trình kiểm tra công vụ cho thấy, các nội dung về kỷ cương hành chính được nhiều đơn vị thực hiện nghiêm, nhất là tại Bộ phận một cửa. Đại diện các cơ quan chức năng đã chỉ ra được những tồn tại trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, góp phần tăng kỷ cương hành chính, ý thức trách nhiệm của CBCC và hiệu quả công việc gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Cũng từ đó, tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn từ huyện đến xã tăng lên, người dân thuận lợi khi đến với cơ quan hành chính.

Tuy nhiên, một hạn chế nổi lên từ những cuộc kiểm tra công vụ chính là kỷ luật giờ giấc làm việc tại một số đơn vị chưa nghiêm; có phòng chuyên môn chưa sát sao trong kiểm tra, đề xuất xử lý vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là quản lý đất đai, trật tự xây dựng; sau kiểm tra chưa kiên quyết xử lý vi phạm. Huyện đã yêu cầu các đơn vị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trong đó xã Trung Mầu phải giải trình trách nhiệm lãnh đạo UBND xã (chưa chấp hành nghiêm thời gian làm việc, thời điểm kiểm tra không có lãnh đạo xã tại trụ sở). Đồng thời, kiểm điểm 5 xã (Dương Hà, Kim Lan, Trung Mầu, Văn Đức, Yên Thường), trong đó kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo điều hành tại 3 xã Dương Hà, Kim Lan, Yên Thường do thời điểm kiểm tra, nhiều CBCC không có mặt tại vị trí làm việc không rõ lý do, có nơi chưa mở cửa Bộ phận một cửa. Từ đó, huyện hạ mức thi đua quý II với 42 cá nhân vi phạm tại 5 xã này.

Trước tình trạng này, UBND huyện Gia Lâm đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để siết chặt kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra công vụ những tháng cuối năm. Tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất, chuyên đề theo kế hoạch; kiểm tra chuyên môn với các cơ quan quản lý Nhà nước; từ đó, kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo đúng Chỉ thị 06 của Chủ tịch UBND TP. Cùng với đó, sẽ tập trung đơn giản hóa TTHC theo nguyên tắc đúng luật, minh bạch, giảm đầu mối, thời gian giải quyết.