Gia Lâm: Tăng cường đối thoại, phát huy dân chủ giúp thực hiện tốt các dự án phát triển

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định tăng cường đối thoại, phát huy dân chủ trong thực hiện các dự án là một nội dung quan trọng trong hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền nhằm xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị nên thời gian qua, để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị nói chung và các dự án trên địa bàn nói riêng, Huyện ủy Gia Lâm đã xác định phải tạo được thống nhất về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân toàn huyện.

Trong tham luận về nội dung này với Đại hội đại biểu TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 mới đây, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết: Là huyện cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, Gia Lâm đã được TP phê duyệt Đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận đến năm 2025. Tốc độ đô thị hóa nhanh, với nhiều dự án của T.Ư, TP, của huyện đã và đang triển khai thực hiện trong những năm gần đây, cùng những dự án lớn của các tập đoàn kinh tế, DN trong nước và DN có vốn ĐTNN đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa của huyện. Những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quán triệt sâu sắc, chỉ đạo triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của T.Ư, TP về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Để cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo này, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị 07-CT/HU ngày 16/3/2016 về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở”. Đồng thời, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xây dựng Chương trình công tác toàn khóa về “Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nâng cao hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở giai đoạn 2016-2020”, trong đó chú trọng thực hiện QCDC trong thực hiện các dự án trên địa bàn; chỉ đạo xây dựng Đề án 03-ĐA/BCĐ về “Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH của UBTV Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm, giai đoạn 2016-2020”. 

Từ đó, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên kiểm tra, đánh giá và tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình, Đề án đã xây dựng; chỉ đạo thực hiện hiệu quả QCDC trong các lĩnh vực và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn. Đặc biệt, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo được quan tâm thường xuyên. Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy định kỳ hằng tháng, quý tổ chức họp và chỉ đạo về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào các vụ việc liên quan công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án và vụ việc thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15, Chỉ thị 15 của Thành ủy và Huyện ủy, với sự chỉ đạo giải quyết dứt điểm, triệt để, không để các vụ tồn đọng kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Đồng thời, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về công tác GPMB thực hiện dự án và đầu tư, xây dựng huyện Gia Lâm thành quận nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền căn cứ Nghị quyết chuyên đề của huyện cụ thể hóa thành nghị quyết, kế hoạch của đơn vị mình để triển khai thực hiện; qua đó, các chủ trương, nội dung công việc trọng tâm, quan trọng của huyện được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt trong các lĩnh vực được ban hành Nghị quyết.

 Công chức bộ phận "Một cửa" UBND xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) hướng dẫn công dân nộp hồ sơ hành chính

Bên cạnh đó, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện, các phòng, ban, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện tốt việc xây dựng, ban hành QCDC trong các loại hình, trong đó có QCDC trong công tác GPMB, quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Huyện luôn chủ động trong công tác quy hoạch, công khai quy hoạch; triển khai các dự án thực hiện đầy đủ, đúng quy trình, quy định pháp luật và công khai, dân chủ, xin ý kiến Nhân dân, thể hiện rõ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiếm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. UBND huyện và các phòng, ban liên quan sẵn sàng đối thoại với Nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải đáp những ý kiến trái chiều, chưa đồng thuận trong Nhân dân. Cùng đó, huyện phát huy hiệu quả vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo, phối hợp, tạo thuận lợi để các tổ chức thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ban thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận của Nhân dân trong triển khai các dự án.

Với phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy dân chủ trong xã hội một cách chủ động, bài bản, khoa học và linh hoạt, nhiệm kỳ qua, Gia Lâm đã triển khai được 306 dự án thuộc các lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hóa, trong đó 45 tuyến đường hạ tầng khung, đường giao thông thôn xóm; hệ thống chiếu sáng, phát thanh không dây, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, tu bổ, tôn tạo di tích; trụ sở các cơ quan đảng, hành chính... Đặc biệt, Huyện tích cực vận động xã hội hóa của Nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, từ đó Nhân dân đã hiến tặng trên 30.000m2 đất nông nghiệp, đất thổ cư; đóng góp trên 358 tỷ đồng và hàng vạn ngày công để thực hiện các dự án, công trình công cộng trong khu dân cư và đường nội đồng. Trong 5 năm, huyện đã thực hiện GPMB trên 604ha liên quan 5.243 hộ gia đình, với tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ trên 3.766 tỷ đồng. Trong đó, có một số dự án GPMB có quy mô lớn, như: Khu đô thị Gia Lâm, Nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1), đường Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng, đường Dương Xá - Đông Dư, đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… Những kết quả đó là tiền đề rất quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn, tạo cho Gia Lâm một bộ mặt mới, khang trang theo hướng đô thị; góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được và vướng mắc trong quá trình triển khai, Gia Lâm rút ra một số bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện hiệu quả các dự án trong giai đoạn 2020-2025. Quan trọng nhất là cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kết hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; tiếp tục thực hiện tốt QCDC trong các loại hình mới ở cơ sở; tạo được thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đồng thuận của Nhân dân trong triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn. Cùng đó, cần tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, TTXD; tập trung xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả các quy trình, QCDC trong quản lý đất đai, GPMB; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong triển khai các dự án. Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng thường xuyên, đột xuất tiếp dân, đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư của Nhân dân; chú trọng giải quyết đơn thư của đảng viên, công dân, không để tồn đọng kéo dài. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa chính quyền với MTTQ, các đoàn thể trong việc công khai, tuyên truyền, vận động chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp quyền lợi của Nhân dân; chủ động xin ý kiến TP về cơ chế đặc thù nhằm đảm bảo quyền lợi người dân và tiến độ thực hiện dự án…

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần