Giá lợn hơi hôm nay 12/7: Vẫn duy trì ở mức cao từ 81.000 - 93.000 đồng/kg

Minh Anh/Tieudung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá lợn hơi hôm nay 12/7 trên cả nước vẫn duy trì ở mức cao từ 81.000 - 93.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay 12/7 tại miền Bắc

Theo ghi nhận, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng từ 88.000 - 92.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định giá lợn hôm nay được thu mua từ 90.000 - 92.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang giá lợn hôm nay đang dao động ở mức thấp hơn từ 88.000 - 89.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay 12/7: vẫn duy trì ở mức cao từ 81.000 - 93.000 đồng/kg

Giá lợn hôm nay 12/7 tại miền Trung - Tây Nguyên

Giá lợn hơi hôm nay tại Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 81.000 - 93.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại tỉnh Bình Thuận giá lợn hôm nay được thu mua với mức cao nhất cả nước 93.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Khánh Hòa giá lợn dao động từ 85.000 - 87.000 đồng/kg.

Còn tại Đak Lak, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị giá lợn được thu mua từ 81.000 - 84.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay 12/7 tại miền Nam

Tại miền Nam, giá lợn hơi hôm nay dao động trong khoảng từ 84.000 - 92.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại tỉnh Trà Vinh, Đồng Nai giá lợn đang ở mức 90.000 đồng/kg và 92.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Tháp, Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang giá lợn được thu mua từ 84.000 - 89.000 đồng/kg.

Theo số liệu từ Cục Thú y, từ ngày 11/6 - 5/7 đã có 30 lượt đăng ký kiểm dịch nhập khẩu lợn từ Thái Lan, với số lượng gần 4,5 triệu con lợn sống. Thế nhưng, hiện chỉ mới có 7 công ty của Việt Nam nhập khẩu thực sự, với số lượng gần 9.000 con. Vậy khó khăn gì khiến các doanh nghiệp không mặn mà với nhập khẩu lợn sống?

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại, dịch vụ quốc tế Đồng Lợi cho rằng, kiểm dịch nhiều lần như hiện nay là không cần thiết. Thái Lan là đất nước kiểm dịch rất tốt, họ kiểm soát rất nghiêm ngặt. Lợn khi còn ở nước này phải qua kiểm tra và lấy mẫu máu, có giấy kiểm dịch mới được xuất sang Việt Nam. Các xe hàng chở lợn phải là những xe chuyên dụng, đảm bảo an toàn vận chuyển thú y. Khi lợn về đến cửa khẩu Lao Bảo sẽ được kiểm soát bởi Chi cục Thú y vùng III. Đến khi về nơi cách ly, Chi cục Thú y vùng IV tháo niêm phong và lấy máu kiểm dịch trong 5 ngày. Khi đã có kết quả, lợn vẫn chưa được xuất chuồng ngay mà phải chờ Chi cục thú y vùng đến kiểm tra kết quả. Nếu rơi vào những ngày cuối tuần, doanh nghiệp lại phải đợi thêm 2 ngày nữa. Ít nhất doanh nghiệp phải mất đến 10 ngày từ khi lợn về đến Việt Nam mới có thể xuất đi.

Nhiều bước kiểm dịch chồng chéo không cần thiết gây mất thời gian, từ đó gây hao hụt cân của đàn lợn cũng như lãng phí tiền bạc.

Ngoài việc kiểm dịch phức tạp, chi phí qua từng công đoạn bị đẩy lên cao cũng gây nhiều lo ngại cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Bà Vân cho biết vận chuyển lợn từ Thái Lan về Việt Nam phải qua Lào. Doanh nghiệp thuê xe của Lào để vận chuyển hàng qua nước này về đến cửa khẩu Việt Nam, sau đó đổi xe để tiếp tục di chuyển về khu cách ly. Trong khi đó, chi phí vận chuyển từ cửa khẩu Thái - Lào đến cửa khẩu Lào - Việt rất đắt đỏ. Chưa kể mỗi lần thay xe lại phát sinh thêm chi phí môi giới, lùa lợn, người đón...

Theo chủ một doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn, việc đảm bảo xe chở hàng phải đúng quy định đã khó, quá trình vận chuyển lại thêm nhiều rủi ro. Đi quãng đường dài, phải đổi xe nhiều lần dưới thời tiết nắng nóng khiến lợn bị ốm đi nhiều.

Bà Vân cho rằng, nhập khẩu lợn từ Thái Lan gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp nếu không dày dặn kinh nghiệm sẽ không đủ sức đưa được lợn sống về nước qua chặng đường này. Cũng chính vì lẽ đó, không khó hiểu khi các lô lợn nhập về nước ta đều lẻ tẻ từ 500 con, 800 con hay 1000 con...và kéo dài.

Đội chi phí trong quá trình vận chuyển khiến giá thành của lợn về đến nước ta tăng cao. Từ mức giá 100 baht (khoảng 76.000 đồng/kg) ở Thái Lan, giá thành của lợn sau khi cách ly đã lên mức 86.000 đồng/kg. Thực tế hiện nay, doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Với giá thành này, họ cũng không còn lãi khi đưa ra thị trường. Do vậy, nhiều doanh nghiệp bỏ nhập khẩu dù đã xin được giấy phép.

Với số lượng lợn hơi về nhỏ giọt như hiện nay và giá lợn hơi cả nước vẫn ở ngưỡng cao, tình hình nhập lậu lợn qua đường biên giới diễn biến vô cùng phức tạp.

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Công văn số 2935/UBND-TM gửi các Sở: Công thương, NN&PTNT; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Cục Hải quan tỉnh; Công an tỉnh; Cục Quản lý thị trường tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.