Giá lợn hơi ở mức cao: Lợi nhuận đổ về khâu trung gian thay vì người sản xuất

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã có chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ NN&PTNT, tuy nhiên, giá lợn hơi vẫn “neo” ở mức cao. Một số giải pháp mạnh tay hơn đã được tính đến nếu giá mặt hàng này không giảm trong thời gian tới.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị VinMart. Ảnh: Công Hùng
Vì sao giá lợn vẫn cao?
Ghi nhận thị trường cho thấy, giá lợn hơi cuối tuần qua duy trì ở mức cao tại 3 miền. Tại miền Bắc, giá lợn hơi bán ra khoảng 81.000 – 85.000 đồng/kg. Tại miền Trung, mức giá thấp nhất có nơi xuống mốc 70.000 đồng/kg, nhưng cao nhất vẫn lên tới 85.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi tại miền Nam dao động từ 77.000 – 85.000 đồng/kg.
Việc giá lợn hơi vẫn “neo” ở mức cao được cho là bởi 3 nguyên nhân. Đầu tiên phải nhắc tới là ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Hơn 1 năm bùng phát, dịch bệnh này đã khiến khoảng 6 triệu con lợn trên cả nước phải tiêu hủy khiến nguồn cung sụt giảm. Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương nhận định, phải tới cuối năm 2020, tổng đàn cả nước mới hồi phục.
Việc giá lợn tăng cao còn chịu ảnh hưởng bởi quá trình lưu thông. Thực tế cho thấy, giá lợn hơi bình quân bán ra khoảng 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi đến tay người tiêu dùng, giá thịt lợn cao hơn trung bình khoảng 1,7 lần. Lợi nhuận đổ về khâu trung gian thay vì người sản xuất. Trong khi đó, người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất, khi phải trả chi phí rất cao cho mặt hàng này.
Nhưng yếu tố quan trọng hơn khiến giá lợn hơi chưa thể hạ nhiệt hiện nay là bởi giá bán ra của các DN chăn nuôi lớn vẫn duy trì ở mức rất cao. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Hoàng Anh Tuấn, ngay cả trong giai đoạn dịch tả lợn châu Phi hoành hành, chi phí sản xuất trung bình cho 1kg lợn hơi cũng chỉ khoảng 45.000 đồng. Với giá bán 72.000 đồng/kg thì DN đang lãi đến 2 triệu đồng/con lợn 100kg. Điều đó cho thấy, các DN chăn nuôi đang có lãi rất lớn. 
Sẽ tiếp tục nhập khẩu thịt lợn
Thực tế cho thấy, đối với công tác bình ổn giá thịt lợn, các DN - với vai trò là những đơn vị tham chiếu, đóng vai trò quan trọng trong điều tiết giá. Điều này cho thấy, nhiều DN dường như đang xem nhẹ, thậm chí là coi thường chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành trong việc bình ổn giá mặt hàng thiết yếu này.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mới đây khẳng định: Không có lý do gì mà giá lợn hơi không xuống dưới 70.000 đồng/kg. Sở dĩ vậy là bởi sau hơn một năm bị ảnh hưởng, dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam đang dần được khống chế.
Trong bối cảnh giá lợn cao, thời gian qua, các bộ ngành đã tập trung thực hiện giải pháp nhập khẩu thịt lợn nhằm bình ổn thị trường. Tính đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 25.300 tấn thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn (tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019). Đây vẫn là giải pháp được đưa ra nếu các DN tiếp tục chây ì, không chịu thực hiện cam kết về việc giảm giá lợn hơi trong thời gian tới.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ giá thịt lợn phải theo cơ chế thị trường, có vai trò quản lý của Nhà nước, trong đó có chống đầu cơ, nâng giá bất hợp lý. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành kiên quyết đưa giá lợn hơi xuống dưới 60.000 đồng/kg bằng các biện pháp phù hợp. “Nếu cố tình đưa giá lên cao thì Thủ tướng sẽ quyết định nhập khẩu thịt lợn để giảm giá, phục vụ người tiêu dùng...” – Thủ tướng nói.
Về phương án giảm giá thịt lợn, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, quan trọng nhất là tăng cung bằng cách đẩy mạnh phục hồi đàn lợn trên 32 triệu con. Tạo điều kiện tái đàn cho các hộ chăn nuôi, DN. Đồng thời, tăng cường quản lý, phát hiện đầu cơ, tích trữ, găm hàng thịt lợn, gây ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân.
Người chăn nuôi hiện nay vẫn dựa khá nhiều vào thông số thị trường để quyết định giá lợn hơi bán ra. Nếu các DN lớn không hạ giá lợn thì giá lợn hơi của các hộ chăn nuôi cũng không thể thấp hơn được. Ngoài ra, cá nhân tôi cho rằng, việc giá lợn cao cũng đến từ việc thiếu hụt nguồn cung. Việc tái đàn đối với nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi lợn hiện rất khó khăn do thiếu vốn…
Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long

Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp tái đàn gắn với an toàn sinh học, tháo gỡ khó khăn cho DN chăn nuôi trong nước, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang khuyến khích tăng cường nhập khẩu để bình ổn mặt hàng thịt lợn trong nước. Ngoài việc tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Brazil, Hàn Quốc... Bộ NN&PTNT cũng đã hoàn thiện các thủ tục nhập khẩu đối với Tập đoàn Miratorg, DN sản xuất thịt lợn lớn nhất Liên bang Nga.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến