Giá lợn tăng cao: Cẩn trọng khi tái đàn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khoảng một năm giảm sâu khiến người chăn nuôi nhiều địa phương điêu đứng, hiện giá lợn trên cả nước đang tăng cao. Giá lợn hơi xuất chuồng trung bình đạt 45.000 đồng/kg, có nơi lên tới 50.000 đồng/kg.

 Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương thông tin: Sau thời điểm rớt giá, hiện giá lợn thu mua tại cả miền Bắc và miền Nam đều tăng và giữ khá ổn định. Đây là tín hiệu đáng mừng cho mục tiêu phục hồi lĩnh vực chăn nuôi lợn.
Vì đâu mà giá lợn hiện tăng cao như hiện nay, thưa ông?

- Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp giá lợn phục hồi là kết quả của việc thực hiện các chính sách giảm cung - tăng cầu đối với ngành hàng thịt lợn của Chính phủ và Bộ NN&PTNT. Các địa phương cũng đã kiểm soát rất tốt việc tăng đàn, khi tổng đàn lợn cả nước hiện đã giảm khoảng 5,4% so với cùng kỳ năm 2017 (thời điểm giá lợn giảm sâu). Bên cạnh đó, sức mua trong nước cũng tăng đáng kể thông qua nhiều hình thức hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn. Tuy nhiên, thị trường lợn dù có dấu hiệu khôi phục trở lại, nhưng chưa phải là biểu hiện căn cơ của quan hệ cung - cầu và bền vững.
 Một hộ chăn nuôi lợn tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn
Liệu mức tăng giá lợn như hiện nay sẽ duy trì được bao lâu, thưa ông?

- Theo dự báo, giá thịt lợn trong tháng 6/2018 sẽ ổn định chứ không còn tăng nhiều như hiện nay. Nguyên nhân là do thời tiết chuyển sang nóng, lượng tiêu thụ thịt lợn sẽ giảm. Bên cạnh đó, đây đang là thời điểm nghỉ Hè, nhiều bếp ăn tập thể, trường học cũng giảm lượng tiêu thụ. Tháng 7 âm lịch, lượng tiêu dùng cũng có thể sẽ giảm do một bộ phận người dân chuyển sang tháng ăn chay…

"Về lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục kiểm soát việc tăng đàn lợn nái hậu bị trong năm 2018 - 2019 và ổn định đàn nái ở mức 3,5 - 3,8 triệu con trong giai đoạn 2020 - 2025. Đồng thời, tái cơ cấu tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết gắn với xây dựng vùng nguyên liệu giết mổ tập trung, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm thịt lợn cho tiêu dùng." - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương

Tuy nhiên, từ nay tới Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, nếu duy trì được giá lợn ở mức 40.000 - 45.000 đồng/kg là rất tốt; vừa bảo đảm lợi nhuận cho người chăn nuôi, vừa tạo điều kiện phục hồi đàn lợn sau gần một năm thu lỗ.

Hiện nay, giá lợn của Trung Quốc chỉ vào khoảng 36.000 đồng/kg. Với nhu cầu về thịt lợn tăng cao như hiện nay, ông có lo ngại việc thịt lợn giá rẻ của Trung Quốc đổ bộ, gây ảnh hưởng tới người chăn nuôi trong nước?

- Khả năng thịt lợn Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam là rất cao, kể cả thịt lợn sống và thịt lợn đông lạnh. Hiện, Trung Quốc đang có tổng đàn lợn chiếm đến 60% thế giới, trong khi người dân trong nước lại giảm dần việc tiêu thụ. Do đó, cùng với việc giá lợn tăng chưa thực sự bền vững, đây là vấn đề mà chúng ta cần đặc biệt lưu tâm. Chúng tôi khuyến nghị các tỉnh biên giới cần tăng cường kiểm soát nhập khẩu tiểu ngạch. Nếu lơ là, có thể gây nên xáo trộn về thị trường, cùng với đó là nguy cơ dịch bệnh gia tăng trên đàn lợn.

Trước diễn biến giá lợn hiện nay, ông có khuyến cáo gì với người chăn nuôi trong nước?

- Chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi không nên “găm hàng” chờ giá lợn lên tiếp, vì như đã trao đổi, giá lợn trong tháng 6 nhiều khả năng không tăng. Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa lợn sữa hiện nay để nuôi thương phẩm; nâng cao năng suất vỗ béo lợn thịt, bán lợn đúng thời điểm (155 - 160 ngày tuổi), đúng khối lượng (100 - 120kg/con). Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng cần cẩn trọng với việc tái đàn, do giá con giống đang cao. Hơn nữa, việc vào đàn ồ ạt có thể khiến nguy cơ cung vượt cầu khiến giá lợn giảm trở lại.

Xin cảm ơn ông!