Giá mua – bán ngoại tệ tăng mạnh trên thị trường

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (6/9), Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa VND/USD ở mức 22.688 đồng/USD, ngang với mức công bố ngày 5/9. Tại các ngân hàng thương mại chỉ có số ít duy trì niêm yết như hôm trước còn lại là tăng giá USD.

 Đồng USD vẫn tăng giá trong ngân hàng

Theo đó, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng hôm nay (6/9) ở mức 22.688 đồng/USD ngang với mức công bố ngày 5/9.

Trong biên độ +/-3% theo quy định, các ngân hàng thương mại có thể áp mức giá sàn là 22.007 đồng/USD và giá trần là 23.369 đồng/USD.

Sáng nay, tại thị trường tự do trên địa bàn Hà Nội lúc 9 giờ 30, giá mua USD giảm 10 đồng/USD, giao dịch ở quanh mức 23.500 đồng/USD; ngược lại chiều bán ra tăng 10 đồng/USD so với chốt phiên hôm qua, giao dịch quanh mức 23.530 đồng /USD. So với cùng thời điểm này sáng qua giá mua – bán USD trên thị trường tự do giao dịch ngang giá.

Cả tỷ giá trung tâm và thị trường tự do đều giao dịch ngang giá, nhưng ở một số ngân hàng thương mại đồng USD và nhiều đồng tiền mạnh khác vẫn tăng giá mạnh.

Cụ thể, tại Vietcombank, lúc 9 giờ 30 niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.275 - 23.355 đồng/USD, tăng 5 đồng/USD so với phiên 5/9. Đây cũng là mức niêm yết giá mua – bán đồng USD tại BIDV, cũng tăng 5 đồng/USD so với phiên 5/9.
 Đồng USD giảm giá trị trên thị trường quốc tế, nhưng trong nước vẫn tăng. Ảnh minh hoạ.
Techcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.250 - 23.355 đồng/USD, giữ nguyên chiều mua vào và tăng 5 đồng/USD chiều bán ra so với phiên 5/9.

Tại Eximbank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.250 - 23.350 đồng/USD, giảm 5 đồng/USD so với phiên 5/9.

Tại Vietinbank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.252 - 23.342 đồng/USD, giảm 2 đồng so với phiên hôm qua.

Tại ACB niêm yết mua – bán USD cùng thời điểm trên ở mức 23.270 - 23.350 đồng/USD ngang giá so với chốt phiên hôm qua.

Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách ổn định tỷ giá để phục vụ nhu cầu hoạt động xuất nhập khẩu của các DN trong nước.

Đồng USD phiên hôm nay vẫn được hưởng lợi từ thông tin ông Trump đưa ra thông điệp có thể không cần ký hiệp định thương mại đối với Canada. Bên cạnh đó là việc suy thoái kinh tế tại một số nước đang đẩy USD tăng giá. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định, nếu Mỹ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt và áp mức thuế cao nên hàng hoá của các nước khác thì chính Mỹ và người dân Mỹ phải chịu thiệt khi mua hàng hoá giá cao. Điều này có thể đẩy kinh tế toàn cầu suy thoái sớm và Mỹ không thể không chịu chung số phận.

Những thông tin này đã khiến cho đồng USD trên thị trường quốc tế bị đẩy lùi trong phiên vừa qua tại thị trường Mỹ. Kết thúc vào rạng sáng nay (giờ Hà Nội), chỉ số đo lường biến động của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt trong giỏ thanh toán quốc tế đã giảm 0,3% xuống 95,188 điểm.

Các ngoại tệ khác bật tăng mạnh sau 2 phiên giảm

Sáng nay, các đồng tiền trong giỏ thanh toán quốc tế đã bật tăng mạnh trong nước. Tại Ngân hàng Vietcombank lúc 10 giờ các đồng tiền EUR và bảng Anh, France Thuỵ Sỹ (CHF), đồng Krone Thuỵ Điển, đôla Canada đều tăng mạnh. Cụ thể, bảng Anh (GBP) tăng mạnh nhất, ngân hàng niêm yết ở mức 29.789 – 30.256 đồng/GBP, tăng 236 đồng/GBP so với hôm qua.

Đồng EUR Vietcombank niêm yết giá mua – bán ở mức 26.944 – 27.625 đồng/EUR, tăng 144 đồng/EUR chiều mua vào và tăng 187 đồng/EUR chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Trong đó đồng đôla Canada hôm qua giảm mạnh do căng thẳng thương mại với Mỹ, nhưng hôm nay CAD đã nhích tăng mạnh trở lại. Cùng thời điểm CAD được Vietcombank niêm yết giá mua – bán ở mức 17.450 – 17.609 đồng/CAD, tăng 10 đồng/CAD.

Đồng yên Nhật mua – bán ở mức 205,34 – 211,78 đồng/JPY, tăng 34 đồng chiều mua vào và tăng 78 đồng/JPY chiều bán ra so với phiên hôm qua.

Đồng France Thuỵ Sỹ (CHF) được Vietcombank niêm yết mua – bán ở mức 23.729 – 24.091 đồng/CHF, tăng 114 đồng/CHF so với phiên trước.

Đồng Krone Thuỵ Điển (SEK) được ngân hàng niêm yết mua – bán ở mức 2.545 – 2.609 đồng/SEK, giảm 45 đồng/SEK chiều mua và 70 đồng/SEK chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Như vậy, sáng nay hầu hết các đồng tiền trong giỏ thanh toán quốc tế đều tăng. Tăng mạnh nhất là bảng Anh, EUR, và France Thuỵ Sỹ. Một số cửa hàng kinh doanh vàng bạc và ngoại tệ cho biết, sau những phiên chịu áp lực do đồng USD mạnh lên thì các đồng tiền thuộc khu vực châu Âu vẫn được giao dịch nhiều do nhu cầu trao đổi hàng hoá với đối tác của DN, đồng thời nhu cầu nộp tiền học của các gia đình khi con đi du học tại các nước trong khu vực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần