Gia tăng áp lực lạm phát năm 2018

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/6, Tổng cục Thống kê đã họp báo công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này làm gia tăng thêm áp lực đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2018 ở mức 4% được Quốc hội đề ra trước đó.

GDP tăng 7,08%, cao nhất trong 7 năm qua

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, GDP 6 tháng tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Để có được thành tích này, theo ông Lâm là nhờ các chỉ số kinh tế trong quý 2 "khá tích cực".

Cụ thể, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%; đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 49%; khu vực dịch vụ tăng 6,9%, đóng góp 41,4%. Đáng chú ý, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 6 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012 -2018. Trong số đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 3,28%, ngành thủy sản đạt kết quả tích cực với 6,41%, cũng tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, theo Tổng cục Thống kê, ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 5,42% của cùng kỳ năm 2017.
 Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13%, mức tăng được cho là "cao nhất trong 7 năm gần đây". Tuy nhiên, công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm, giảm 1,3%, làm giảm 0,1% mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm.

Theo báo cáo của Nikkei, tâm lý kinh doanh vẫn rất lạc quan khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) luôn ở mức mở rộng. Chỉ số này tăng từ mức 52,7 điểm trong tháng 4 lên 53,9 điểm trong tháng 5.

Kết quả này báo hiệu sự ổn định và cải thiện mạnh mẽ "sức khỏe" của các lĩnh vực sản xuất và các điều kiện kinh doanh trong năm 2018. Ngoài ra, đầu tư của khu vực tư nhân dự kiến được hưởng lợi từ việc Việt Nam đã tăng 14 bậc trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2018. Theo Nikkei, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng kỷ lục, tính đến tháng 5/2018, tốc độ tăng trưởng XK mạnh và nhanh nhất trong 14 tháng qua.

Tăng giá vẫn là xu hướng chủ đạo

Cũng theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 2,22% so với tháng 12/2017. Chỉ số CPI từ tháng 1 đến tháng 6 so với cùng kỳ năm trước có tốc độ tăng dần từ mức 2,65% trong tháng 1 lên mức 4,67% trong tháng 6. Bình quân mỗi tháng, CPI tăng 0,37% so với tháng trước, cao hơn rất nhiều so với mức 0,03% của 6 tháng đầu năm 2017.

Với mức tăng CPI 6 tháng đầu năm cao và việc một loạt các mặt hàng do Nhà nước quản lý điều chỉnh giá, thì việc giữ mức CPI bình quân năm 2018 dưới 4% là một áp lực. Cụ thể, từ ngày 1/7 tới, lương cơ cơ sở sẽ tăng thêm 90.000 đồng/tháng. Giá dịch vụ giáo dục cũng tăng từ tháng 9/2018 theo lộ trình. Vì thế, các chuyên gia dự báo, trong nửa cuối năm 2018, xu hướng tăng giá vẫn còn rất lớn.

Đáng chú ý, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu dự kiến tăng kịch khung trong thời gian tới, thêm 1.000 đồng/ lít xăng, 500 đồng/lít dầu sẽ tác động tăng CPI thêm từ 0,27 - 0,29%. Chưa kể, thị trường xăng dầu thế giới đang có diễn biến phức tạp khi ngày 26/6, Mỹ kêu gọi không mua dầu của Iran. Nguồn cung dầu của Iran đang vào khoảng 2 triệu thùng/ngày dự kiến giảm xuống còn 1 triệu thùng/ngày sẽ tác động lên giá dầu thế giới.

Theo đại diện của Tổng cục Thống kê, ở thời điểm đưa ra các kịch bản giá cả năm 2018, giá dầu cao nhất chỉ được dự báo là 70 USD/thùng. Trong khi đó hiện tại, giá dầu đã lên tới 70,9 USD/thùng và còn dự báo tăng tiếp. Do đó, giá xăng dầu trong nước vẫn có chiều hướng tăng. Bên cạnh đó, giá thực phẩm (chủ yếu là thịt lợn) tiềm ẩn nguy cơ tăng cao. Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao và ảnh hưởng của thiên tai sẽ tạo thêm áp lực tăng giá.

“Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung với mặt hàng xăng dầu là chưa hợp lý. Nếu thực hiện thì phí và thuế và một số khoản khác trong giá cơ sở xăng dầu sẽ chiếm đến gần 50% giá bán lẻ hiện nay. Đó là điều mà chúng ta phải quan tâm bởi vì nó đụng chạm đến chi phí vận chuyển, sản xuất lưu thông các mặt hàng trên thị trường nội địa Việt Nam, làm cho năng lực cạnh tranh của DN, sản phẩm Việt bị yếu thế ngay ở thị trường nội địa chứ chưa nói đến xuất khẩu”. - Nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Vũ Vinh Phú

Theo ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, diễn biến giá cả nêu trên rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, mới đây, "Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh: Các bộ ngành phải "quản" giá những hàng hóa thiết yếu mà mình phụ trách có liên quan. Đây là một bước đổi mới trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, rất cụ thể và có địa chỉ chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện kế hoạch hàng năm"- ông Vũ Vinh Phú nói.

Về phía Tổng cục Thống kê, đại diện cơ quan này cho hay, để đảm bảo mục tiêu lạm phát cả năm 2018 là 4% như Quốc hội giao, thì cần không tăng giá đồng loạt các mặt hàng, dịch vụ y tế, giáo dục… vào cùng một thời điểm. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, hợp lý, kiểm soát nguồn vốn vay hiệu quả. Đồng thời, cần chuẩn bị nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm dồi dào, tránh để xảy ra khan hàng, sốt giá.